Công nhân thạo bán hàng trên mạng xã hội
Chị Hoan (quê xã Thành Minh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, quê chị có nghề truyền thống làm miến dong. Ngoài những hợp tác xã sản xuất quy mô, nhiều gia đình trong xã vẫn sản xuất quy mô hộ gia đình, cung ứng cho bà con trong xã và các xã lân cận. Bố mẹ chị Hoan ở quê đã có gần 20 năm kinh nghiệm làm miến dong, là 1 trong những địa điểm uy tín tại địa phương.
Cơ duyên đến với nghề bán miến dong của chị Hoan khá tình cờ. “Cách đây 3 năm, sau khi ăn Tết, tôi từ quê lên mang theo mấy con gà, vài cân sườn lợn và một ít miến dong. Buổi liên hoan đầu năm của xóm trọ, tôi góp nấu món miến dong với sườn và xương gà, anh chị em trong xóm trọ ai ăn cũng tấm tắc khen miến ngon. Mọi người nhờ tôi đặt mua hộ từ quê gửi lên. Mỗi tháng tôi bán túc tắc khoảng 20kg. Đặc biệt, dịp Tết, chỉ tính tháng Chạp, tôi bán được cả vài tạ miến, mọi người mua về quê ăn Tết và làm quà biếu tặng”, chị Hoan kể.
Cũng nhờ bạn bè tư vấn, chị Hoan đăng thêm thông tin bán hàng trên trang cá nhân và trên nhóm mạng xã hội ở khu công nghiệp chị làm việc. Khoảng 10 ngày nay, mỗi ngày chị bán vài chục cân miến dong cho bố mẹ ở quê. “Bố mẹ tôi vui lắm, Tết này gia đình có khoản thu khấm khá từ nghề tay trái không ai ngờ tới”, chị Hoan vui vẻ tiết lộ.
"Thừa thắng xông lên", chị Hoan đang tính bán thêm món gà đồi Cẩm Thủy nức tiếng. Hiện, gia đình đang tính cách chế biến, hút chân không và thăm dò các mối hàng trong xã.
“Nếu thống nhất sớm, khoảng từ Rằm tháng Chạp, tôi sẽ bán thêm gà đồi đặc sản. Dự kiến mỗi tuần gom 2 chuyến hàng vào thứ Tư và Chủ nhật”, chị Hoan nói.
Không ngại vất vả
Anh Lê Văn Quý quê ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), hiện làm công nhân một công ty cơ khí ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Anh Quý cho hay, sống ở Hà Nội 10 năm thì anh có tới 8 năm kinh nghiệm bán đặc sản cam Vinh từ quê nhà.
“Miễn kiếm được tiền, tôi không ngại vất vả. Những ngày đầu bán hàng cũng nhiều bỡ ngỡ lắm. Do không về tận vườn kiểm tra chất lượng cam nên năm đầu bán, tôi gần như không có lãi, phải bù cam không ngon cho khách.
Từ năm thứ 2, cả gia đình tôi đi khắp huyện chọn, bao mua cả vườn cam. Sau đó, lại khó khăn phát sinh do các hộ gia đình không ai muốn bán sỉ, bán lẻ giá cao lãi nhiều hơn. Tôi phải mua tù mù, nghĩa là cứ trả giá cao cả vườn, sau đó phân loại thành 3 loại, bán 3 giá khác nhau… Ba năm nay, tôi có nguồn cam ổn định, mỗi vụ Tết lãi vài chục triệu đồng nhờ bán quả đặc sản này”, anh Quý chia sẻ.
Theo tiết lộ của anh Quý, từ sau ngày Ông Công Ông Táo, anh và vợ phải phụ cùng shipper mới kịp chuyển hàng cho khách đặt. Vất vả nhưng nam công nhân rất vui vì công việc này vừa cho thu nhập cao, vừa giúp lan tỏa đặc sản quê hương…
Không chỉ anh Quý, chị Hoan, nhiều công nhân tranh thủ ngoài giờ làm việc thường bán thêm hoa quả, thức ăn… đặc sản quê hương. Có người “mát tay” có thu nhập đều đặn mỗi tháng dăm bảy triệu đồng. Thậm chí, không ít công nhân sau một thời gian làm nghề “tay trái” đã nghỉ hẳn việc ở nhà máy, công ty, chuyên tâm bán hàng. Với họ, công việc này vừa giúp có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống ở thành phố, vừa giúp quảng bá đặc sản quê hương ở Thủ đô.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-kiem-vai-chuc-trieu-dong-nho-nghe-tay-trai-1445665.ldo