Mùng 4 Tết Ất Tỵ 2025 (ngày 1.2), chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (ngụ ở ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng chồng chất đồ đạc lên xe gắn máy để lên Bình Dương làm việc trở lại.
Chị Xuyến cho biết, kinh tế nông nghiệp ở quê rất bấp bênh, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, giá cả nông sản không ổn định khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các khu công nghiệp ở thành phố luôn cần một lượng lớn lao động, mở ra cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi. Do đó, nhiều gia đình và con cái, trong đó có gia đình chị đã quyết định rời quê, mang theo cả con cái lên thành phố với hy vọng có một tương lai tươi sáng hơn.
“Dù biết cuộc sống nơi phố thị không hề dễ dàng, nhưng nếu ở quê, họ không có cơ hội thoát nghèo”, chị Xuyến chia sẻ.
Chị Xuyến cho hay, tranh thủ những ngày Tết, chị và chồng ở nhà hàn huyên cùng gia đình, dòng họ. Cả năm đi làm xa nhà, về chỉ có 5 ngày nên dành trọn thời gian sum họp bên gia đình. Đi làm xa quê, ai mà chẳng buồn, nhất là những ngày sau Tết. Nhưng gác nỗi buồn đằng sau, công nhân lại tiếp tục lên đường, tiếp tục một năm làm việc mới. Bôn ba, chăm chỉ làm ăn nơi đất khách quê người để tích lũy một số tiền, để rồi cuối năm lại háo hức quay trở về sum họp bên người thân, gia đình.
Anh Nguyễn Văn Điền (ngụ ở xã Nhơn Hội, huyện An phú, tỉnh An Giang) chia sẻ, xa quê, xa người thân ai mà chẳng luyến lưu, nhất là những ngày sau Tết. Nhưng gác nỗi buồn đằng sau, anh lại lên Bà Rịa - Vũng tàu để tiếp tục công việc.
“Lại một năm vất vả ở phương xa với những tháng ngày lo toan cơm áo gạo tiền cùng không ít khó khăn, cực nhọc và cả những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, gạt đi tất cả, tôi luôn đặt hy vọng vào những ngày lao động sắp tới sẽ thuận lợi, thu nhập tăng, kinh tế ổn định để có điều kiện tốt hơn khi trở về cùng gia đình. Bởi, món quà tinh thần quan trọng nhất đối với những người đi làm ăn xa xứ là mỗi khi Tết đến, Xuân về sẽ được sum họp bên người thân, cùng nhau hưởng cái Tết đoàn viên, ấm no, đủ đầy”, anh Điền chia sẻ.
Kỳ nghỉ Tết vừa gần kết thúc cũng là lúc hàng chục nghìn người lao động ở miền Tây lại tất bật trở lại các tỉnh, thành phố lớn để tiếp tục cuộc mưu sinh. Với những người chọn con đường ly hương để tìm miếng cơm manh áo, họ thật sự thấm thía cảm giác bồi hồi, hân hoan khi được trở về nhà và cảm giác đau đáu khi lại tiếp tục xa người thân, xa quê để mưu sinh...
Rời quê sau Tết, mỗi người có mỗi tâm trạng, mỗi suy nghĩ khác nhau, nhưng họ đều có chung một mong ước là sẽ nỗ lực làm việc, có thu nhập khấm khá, đến khi dư dả sẽ trở về để không còn sống cảnh ly hương.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-o-mien-tay-roi-que-tro-lai-thanh-thi-muu-sinh-1457146.ldo