Mong ước của công nhân Tây Nguyên
Toàn vùng Tây Nguyên đang có gần 300.000 đoàn viên, người lao động. Trong đó, Gia Lai và Đắk Lắk chiếm số lượng lớn nhất với khoảng 140.000 người.
Tại Gia Lai, những ngày đầu năm mới, các khu, cụm công nghiệp nhộn nhịp trở lại khi công nhân sớm bắt tay vào công việc. Nhiều người đi làm sớm hơn mọi năm để nhận lì xì từ doanh nghiệp như một sự khích lệ tinh thần.
Chị Nguyễn Thị Lan - công nhân Công ty OLAM - chia sẻ: “Đầu Xuân, công ty tạo không khí làm việc sôi nổi, khuyến khích công nhân nhanh chóng bắt nhịp sản xuất. Hòa chung tinh thần ấy, chúng tôi cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp”.
Những năm qua, các doanh nghiệp tại Gia Lai như Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Cao Nguyên… đều đạt hiệu quả kinh doanh, tuyển dụng hàng nghìn lao động. Qua đó, các công ty đã góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống công nhân.
Anh Trần Hùng, công nhân Khu công nghiệp Trà Đa (TP Pleiku, Gia Lai) cho biết: “Sau Tết, công nhân hy vọng doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng để sản xuất ổn định. Nhiều người cũng tranh thủ làm thêm ca để tăng thu nhập. Khi doanh nghiệp phát triển, tài chính ổn định thì thu nhập công nhân cũng được đảm bảo”.
Tại Đắk Lắk, sau kỳ nghỉ Tết, công nhân đã trở lại làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Phú và Cụm công nghiệp Tân An (TP Buôn Ma Thuột)...
Chị Ksor H’Vơ, công nhân Công ty TNHH KVD Vina (Cụm công nghiệp Tân An) hào hứng chia sẻ: “Sáng 3.2, tôi và gần 2.000 công nhân được doanh nghiệp lì xì đầu năm. Chủ doanh nghiệp cũng cam kết thưởng thêm cho những ai làm tốt, đạt năng suất cao. Vì vậy, mọi người đều hăng hái bắt tay ngay vào công việc”.
Chủ động bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk đã và đang chỉ đạo các cấp công đoàn hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp trong việc thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Quá trình này nhằm giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk - cho biết, tổ chức Công đoàn sẽ thường xuyên theo dõi quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Khi có mâu thuẫn, sự cố phát sinh, tổ chức Công đoàn sẽ ngay lập tức can thiệp theo chức năng nhiệm vụ. Từ đó, tạo chỗ dựa cho người lao động yên tâm làm việc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai - chia sẻ: “Trong thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động khi bị xâm phạm. Đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới những quyền lợi về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và điều kiện làm việc”.
https://laodong.vn/ldld-dak-lak/cong-nhan-o-tay-nguyen-hang-hai-tro-lai-lam-viec-sau-tet-1458567.ldo