Trang chủCông nhân 360Đời sống Công nhân
Đời sống Công nhân
Cập nhật lúc 11:22 10/07/2025 (GMT+7)
Công nhân tằn tiện chi tiêu lo cho tương lai

Thu nhập eo hẹp, nhiều khoản phải chi, công nhân lao động chắt chiu, dè sẻn chi tiêu để bám trụ thành phố, lo cho tương lai.

Công nhân tằn tiện chi tiêu lo cho tương lai
Thuê phòng trọ giá rẻ, không dám dùng điều hòa, ăn uống tiết kiệm... là cách nhiều công nhân chọn lựa để có chút tiền tích lũy. Ảnh: Quỳnh Chi

Vợ chồng chị Đào Thị Hải và anh Nguyễn Văn Phú (cùng sinh năm 1991, quê Tuyên Quang) hiện làm công nhân Công ty TNHH Trung Dũng (cụm công nghiệp phường Thanh Liệt, Hà Nội). Tổng lương của chị Hải và anh Phú được khoảng 18 triệu đồng/tháng, trong đó lương anh Phú được 10 triệu đồng.

Chị Hải cho hay, anh chị thuê nhà trọ cách công ty vài trăm mét nên đỡ hẳn được khoản xăng xe đi lại; bữa trưa 2 vợ chồng cùng ăn tại công ty. “Chúng tôi chỉ còn lo bữa tối, tiền thuê nhà và điện nước hằng tháng”, chị Hải nói.

Chị Hải nhẩm tính, tiền thuê nhà mỗi tháng hết 1,8 triệu đồng; tiền điện nước hết khoảng 500.000 đồng; tiền ăn mỗi bữa tối của 2 vợ chồng giới hạn tối đa 35.000 đồng/người. “Tôi nhất định không tiêu cho 2 vợ chồng quá 5 triệu đồng/tháng, trừ khi ốm đau hay có công việc gì đột xuất”, chị Hải chia sẻ.

Vợ chồng chị Hải có 1 con trai đang học lớp 2, hiện ở cùng ông bà nội ở quê. Mỗi tháng, chị Hải gửi về cho ông bà 3 triệu đồng để cho con ăn học, phụ ông bà mua thêm thức ăn. Với cách tính toán căn cơ, chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng chị Hải để ra được khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này, theo chị Hải là để tích góp xây nhà ở quê. Vợ chồng chị xác định làm việc ở thành phố khi nào đủ tiền xây nhà và có chút vốn buôn bán sẽ về quê làm ăn.

“Sống ở đây, đến điều hòa tôi cũng không dám lắp vì sợ tốn thêm tiền điện những tháng hè. Vợ chồng đi làm cả ngày trong nhà xưởng có điều hòa rồi, tối về động viên nhau chịu khó, ăn cơm xong tắm giặt cho mát rồi đi ngủ”, chị Hải bày tỏ.

Cũng dùng “chiêu” giảm tối thiểu các chi phí như vợ chồng chị Hải, vợ chồng chị Bùi Thị Lanh và anh Đỗ Ngọc Minh sau 4 năm làm công nhân ở Hà Nội tiết kiệm được số vốn kha khá.

Chị Lanh và chồng cùng làm cho một công ty sản xuất phân bón ở xã Thanh Trì (Hà Nội), tổng tiền lương của 2 vợ chồng được khoảng 16 triệu đồng/tháng. Chị Lanh cho hay, vợ chồng chị thống nhất tiền thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt không chiếm quá 7 triệu đồng, số tiền còn lại chị gửi về quê mỗi tháng 4 triệu đồng cho ông bà ngoại chăm 2 con ăn học.

“Còn lại khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng, tôi cương quyết không đụng đến, để dành làm vốn. Vợ chồng xác định lên Hà Nội khoảng dăm năm, làm ăn có vốn rồi về quê lập nghiệp, chăm lo cho các con. Hiện nay chồng tôi ngoài giờ làm còn tranh thủ đến nhà người họ hàng học nghề sửa chữa xe máy. Hy vọng anh ấy sớm thạo nghề, về quê mở hiệu sửa chữa xe máy”, chị Lanh kể về dự định tương lai.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội - nhận định, phần lớn công nhân hiện nay nếu không làm thêm đều đặn, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí thiết yếu. Muốn có tích lũy, họ vừa phải làm thêm, vừa phải chi tiêu rất căn cơ, tính toán từng li từng tí.

“Bối cảnh giá cả leo thang, cuộc sống tại các đô thị ngày càng khó khăn nên gia đình công nhân phải xoay xở mới thu vén được cho cuộc sống hằng ngày và có chút tích lũy, phòng thân. Đa số họ phải cắt giảm các khoản chi tiêu như vui chơi giải trí, mua sắm… để có tiền lo cho con cái ăn học, duy trì cuộc sống và có chút ít tiết kiệm”, bà Hương nói.

Theo khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 và 4.2025 với gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh, thành phố, 54,9% lao động cho hay thu nhập hiện tại chỉ vừa đủ để trang trải chi phí cơ bản; 26,3% phải sống tằn tiện, kham khổ; đáng chú ý, 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập.

https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-tan-tien-chi-tieu-lo-cho-tuong-lai-1537608.ldo

Quỳnh Chi (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: