Đại học chỉ là kiến thức nền
Hoàng Ngọc Phú sinh năm 2000, tốt nghiệp ngành Quản lý nhà nước một trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp, sau nửa năm không xin được việc làm, tân cử nhân quê ở huyện Gia Lâm quyết định nộp hồ sơ làm nhân viên kinh doanh một showroom ô tô trên địa bàn quận Đống Đa – nơi người anh họ của Phú đang làm việc.
“Sau khi phỏng vấn, em được nhận làm, được đào tạo kiến thức cơ bản về ô tô và thông tin về tập đoàn, hãng xe… Lương cứng của em là 5 triệu đồng, được công ty bao ăn trưa. Nhân viên kinh doanh ở đây chủ yếu ăn theo doanh số, có anh chị bán hàng tốt thu nhập hằng tháng mấy chục triệu đồng, cuối năm được thưởng hàng trăm triệu đồng. Sau gần 1 năm làm việc, em chưa có doanh số riêng nhưng em thường xuyên đi theo anh họ trong quá trình anh đàm phán, chăm sóc khách hàng, bán hàng… nên được anh chia cho 1/2 doanh số 1 chiếc xe bán được của quý III năm 2024”, Phú cho hay.
Theo chia sẻ của Phú, dù chưa chính thức bán được chiếc xe nào nhưng bạn vẫn thấy hứng thú với công việc do được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều khách hàng. Thu nhập “trong mơ” của nhiều nhân viên kinh doanh đi trước cũng là động lực lớn đối với Phú.
Đỗ Hữu Nghĩa tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế nhưng lại đang làm nhân viên marketing cho một công ty dược phẩm.
Nghĩa cho hay, khi còn là sinh viên năm 3, đi thực tập tại một công ty luật, được giao rà soát các hợp đồng do công ty phụ trách. “Em cứ đọc luật rồi đối chiếu hợp đồng. Em thấy công việc rất nhàm chán, đơn điệu nên mỗi ngày đi thực tập về đều thấy uể oải, không hứng thú với công việc”, Nghĩa chia sẻ.
Năm 4, Nghĩa nhờ người thân xin cho thực tập trong một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản. Nghĩa được giao tìm hiểu các nội dung chi tiết về luật kinh tế liên quan đến khu vực chủ đạo mà công ty đang xuất khẩu 2 mặt hàng tiêu và cà phê. Công việc không quá khó, thậm chí công ty nơi Nghĩa thực tập có đánh tiếng sẽ nhận Nghĩa vào làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, nam cử nhân lại chọn hướng đi khác.
“Bạn thân của em học Đại học Bách khoa nhưng từ năm thứ 3 đã lập 1 nhóm marketing online để bán hàng cho các nhãn hàng. Công việc rất thú vị, làm việc cùng những bạn bè cùng trang lứa, thời gian khá linh động và thu nhập cũng tốt – đây là các yếu tố khiến em quyết định tham gia cùng nhóm này. Gia đình em ban đầu phản đối, nhưng sau nửa năm em làm cho bạn em và nhờ kết nối đã trở thành nhân viên marketing chính thức cho một hãng dược, bố mẹ em không ý kiến gì nữa”, Nghĩa nói.
Không nên quá nặng nề
Ông Lê Quang Trung – nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, việc lao động trẻ làm trái nghề, chúng ta không nên quá nặng nề.
Ông Trung nêu ra những lợi ích khi làm trái ngành, trước hết là được thỏa mãn đam mê. Khi tìm được đam mê nghề nghiệp, người trẻ càng quyết tâm theo đuổi và dễ thành công.
“Làm trái ngành đồng nghĩa với việc bạn phải bắt đầu lại từ con số 0 - đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để bạn tiếp cận với những lĩnh vực khác trong xã hội. Sẽ có nhiều kiến thức bạn học được trong quá trình tìm hiểu và làm một công việc mới”, ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho rằng, lựa chọn một công việc trái ngành còn thúc đẩy mỗi người bước ra khỏi vùng an toàn của mình, khám phá bản thân và quá trình đó sẽ giúp mỗi người nhận biết bản thân mình có phù hợp với công việc “tay trái” hay không. Kể cả trong trường hợp không phù hợp, mỗi người vẫn có những trải nghiệm quý giá.
Về một số hạn chế khi làm trái ngành, ông Trung nêu việc này có thể khiến lao động không bao giờ dùng tới các kiến thức đã học. Nếu chấp nhận làm trái ngành, bạn có thể sẽ mất thêm thời gian để trau dồi kiến thức chuyên môn, quá trình này sẽ khiến bạn có vẻ thụt lùi so với bạn bè cùng trang lứa.