Bữa ăn ca của người lao động tại Công ty TNHH LG Innotek. Ảnh: Mai Dung
Ngừng việc kiến nghị bữa ăn ca
Chiều 17.2, tại TP Hải Phòng xảy ra vụ hơn 2.000 công nhân nhà máy giày Tam Cường (Công ty TNHH Đỉnh Vàng) ngừng việc tập thể. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc này liên quan đến bữa ăn ca.
Một công nhân nhà máy cho biết: “Công ty áp dụng mức ăn ca 15.000 đồng/suất từ năm 2022 đến nay, trong khi với giá cả thị trường như hiện nay thì mức này không bảo đảm bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho NLĐ. Chưa kể, so với mặt bằng chung các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng trên huyện Vĩnh Bảo thì mức ăn ca là rất thấp”. Do đó, NLĐ kiến nghị nâng mức ăn ca từ 15.000 đồng lên 23.000 đồng/suất, bổ sung bữa ăn tăng ca 10.000 đồng/suất.
Sau nửa ngày NLĐ ngừng việc, LĐLĐ TP Hải Phòng cùng các cơ quan liên quan làm việc với doanh nghiệp. Công ty thống nhất giải quyết kiến nghị: Hỗ trợ tiền ăn ca từ 15.000 đồng lên 23.000 đồng, thêm 8.000 đồng/suất (khoản tiền này sẽ được cộng vào lương cho NLĐ); bữa ăn ca cho NLĐ thêm giờ sẽ là 6.000 đồng/suất (cộng vào lương). Trước phương án của doanh nghiệp, chiều 18.2, công nhân đồng thuận, quay trở lại làm việc.
Đáng nói, tháng 3.2022, nhà máy giày Tam Cường cũng xảy ra ngừng việc liên quan đến bữa ăn ca. Thời điểm đó, NLĐ kiến nghị doanh nghiệp tăng bữa ăn ca từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/suất, hỗ trợ bữa ăn phụ khi tăng ca. Sau 1 tuần ngừng việc, công ty đồng ý nâng mức ăn ca lên 15.000 đồng/suất.
Về sự việc ngày 17.2, theo ông Vũ Ngọc Thức - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ TP Hải Phòng, mặc dù công ty cơ bản thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về các chế độ phúc lợi khác (trong đó có bữa ăn ca), công ty chưa kịp thời nắm bắt đề xuất, kiến nghị của NLĐ, chưa điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và mặt bằng chung giữa các doanh nghiệp trên địa bàn dẫn đến ngừng việc tập thể.
Chủ động điều chỉnh mức ăn ca cho NLĐ
Theo LĐLĐ TP Hải Phòng, năm 2024, các cấp công đoàn có nhiều biện pháp thiết thực, chủ động tham gia với người sử dụng lao động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh bữa ăn giữa ca bình quân chung từ 27.000 đồng/suất. Năm 2024 đã có 145 doanh nghiệp điều chỉnh mức ăn ca với mức điều chỉnh tăng bình quân từ 2.500 đồng/bữa.
Riêng tại các khu công nghiệp, 331/347 (95,3%) cơ quan, doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca. Trong năm 2024, có 240/331 (72,5%) công đoàn cơ sở tổ chức giám sát bữa ăn ca, 28 doanh nghiệp điều chỉnh tăng mức ăn ca với mức bình quân 2.500 đồng, tăng mức ăn bình quân hiện nay là 29.000 đồng/người.
Năm 2025, các cấp công đoàn TP Hải Phòng tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thực hiện Nghị quyết 7c ngày 25.2.2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động” và Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18.1.2022 của Tổng LĐLĐVN tiếp tục thực hiện Nghị quyết 7c.
Các công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ, chủ động đưa nội dung bữa ăn ca vào đối thoại, thương lượng, ký kết trong Thỏa ước lao động tập thể.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca trong các bếp ăn tập thể và các doanh nghiệp dịch vụ cung cấp các suất ăn ca. Qua đó, bảo đảm sức khỏe NLĐ, hạn chế các vụ việc mất an toàn thực phẩm bữa ăn ca hay ngừng việc tập thể liên quan đến bữa ăn ca.
https://laodong.vn/cong-doan/nang-muc-an-ca-dam-bao-dinh-duong-cho-nguoi-lao-dong-1468064.ldo