Anh Lê Văn Tiên, Kỹ sư IT Công ty Panko Tam Thăng Quảng Nam có nhiều ứng dụng chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỉ đồng. Ảnh: Lê Diễm
Tiết giảm chi phí, gia tăng lợi ích
Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng hiện là doanh nghiệp may mặc có số lượng công nhân lớn nhất tại Quảng Nam với hơn 7.000 công nhân, lao động. Với quy mô sản xuất hơn 250.000 sản phẩm/ngày, công ty phải duy trì hơn 70 công nhân chỉ để kiểm đếm và phân loại hàng hóa.
Nhận thấy phương pháp thủ công này tốn kém và dễ xảy ra sai sót, anh Lê Văn Tiên - nhân viên IT Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng - đã đề xuất ứng dụng RFID để tự động hóa quy trình. Sau khi triển khai, số nhân sự tham gia kiểm đếm giảm còn 24 người, nâng cao độ chính xác và tốc độ xử lý số liệu.
Đề tài sáng kiến “Dựa trên công nghệ RFID, xây dựng hệ thống kiểm đếm, phân loại sản phẩm” của anh Tiên đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 1,7 tỉ đồng mỗi năm.
“Là người làm công nghệ, sáng tạo là đam mê. Khi sáng kiến được lãnh đạo ủng hộ và Công đoàn phát động thi đua, tôi càng có động lực để hoàn thiện và ứng dụng vào thực tế” - anh Tiên chia sẻ.
Hiện anh cùng đồng nghiệp tiếp tục phát triển thêm phần mềm quản lý số liệu báo cáo, giúp lãnh đạo có thể giám sát sản xuất từ xa theo thời gian thực.
Tương tự, với đam mê sáng tạo không ngừng, chị Trương Thị Hoàng Linh - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Fashion Garments (hoạt động sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm may mặc ở KCN Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) - đã có sở hữu thành tích đồ sộ gồm 25 đề tài khoa học và 42 sáng kiến được ứng dụng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm. Là đại diện duy nhất của Quảng Nam được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng LĐLĐVN cho đến nay.
Tiêu biểu là sáng kiến “Giảm thiểu sự lãng phí dựa vào thiết lập các định mức sử dụng vật tư”, thay thế vật tư tiêu hao cao bằng nguyên liệu tối ưu hơn được triển khai từ năm 2022, giúp công ty tiết kiệm hơn 752 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, sáng kiến của chị Linh còn góp phần đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. “Mục tiêu của tôi không chỉ là tiết kiệm mà còn giúp công ty có thêm nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho công nhân” - chị Linh chia sẻ.
Công đoàn khuyến khích sáng tạo trong lao động
Ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Fashion Garments - cho biết: “Mỗi năm, công ty ghi nhận hàng trăm sáng kiến từ công nhân. Chúng tôi khuyến khích tất cả ý tưởng dù nhỏ nhất, nếu sáng kiến có kinh phí cao, ban giám đốc sẽ hỗ trợ triển khai nhân rộng. Những sáng kiến xuất sắc đều được khen thưởng hàng quý và xét trao giải thưởng năm”.
Theo ông Nguyễn Kỳ Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, từ năm 2017 đến nay, tổ chức công đoàn cơ sở đã đóng góp hơn 1.400 sáng kiến, mang lại giá trị lợi ích khoảng 10 tỉ đồng. Không chỉ trong thời điểm COVID-19, hiện phong trào “Một triệu sáng kiến” do Tổng LĐLĐVN phát động tiếp tục được triển khai rộng rãi, tạo động lực để người lao động phát huy sức sáng tạo.
Không chỉ trong sản xuất, tinh thần sáng tạo còn lan tỏa đến các ngành khác. Ông Trần Quốc Bảo, công tác tại Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ, đã phát triển “Phần mềm phân tích dữ liệu XML hỗ trợ kiểm tra thông tin khám chữa bệnh BHYT”. Giải pháp này giúp phát hiện nhanh sai sót trong dữ liệu thanh toán, giúp trung tâm tiết kiệm hơn 360 triệu đồng/năm. Sáng kiến này đã được Tổng LĐLĐVN trao Bằng Lao động sáng tạo.
Ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam - nhấn mạnh: “Thi đua sáng tạo không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn nâng cao điều kiện làm việc, giúp người lao động có thêm động lực cống hiến. Công đoàn sẽ tiếp tục đồng hành, khuyến khích và hỗ trợ người lao động phát huy sáng kiến để tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp và xã hội”.
https://laodong.vn/cong-doan/sang-tao-trong-lao-dong-giup-doanh-nghiep-tiet-kiem-hang-ti-dong-1489385.ldo