An sinh hướng đến mọi đối tượng
Quyền được tham gia BHXH đã được mở rộng đối với người lao động (NLĐ) thuộc mọi thành phần kinh tế; áp dụng loại hình “Bảo hiểm hưu trí bổ sung” nhằm đa dạng sản phẩm dịch vụ bảo hiểm và đáp ứng nhu cầu của nhân dân; chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện tùy theo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước từng thời kỳ…
Đặc biệt, cơ quan chức năng chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH thông qua quy định NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính nhằm công khai, minh bạch, tạo thuận tiện cho tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.
“Chính sách bảo hiểm thất nghiệp mở rộng đối tượng tham gia và bổ sung chính sách phòng ngừa rủi ro cho người tham gia. Bên cạnh việc thực hiện chức năng bảo đảm an sinh xã hội, bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm thất nghiệp còn là chính sách gắn liền với các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm…” - bà Lan Hương nói.
Độ bao phủ của bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được tăng cường; chính sách bảo trợ xã hội không ngừng được bổ sung và sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từng bước tiếp cận xu hướng phát triển trợ giúp xã hội của thế giới.
Hỗ trợ toàn diện đối với người nghèo
Đến nay, Việt Nam đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành các chính sách giảm nghèo tương đối toàn diện để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt quyết định và các văn bản liên quan đến chuẩn nghèo áp dụng cho từng giai đoạn; phê duyệt các chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi từng giai đoạn… Trong đó, các chính sách, biện pháp giảm nghèo chủ yếu hiện hành bao gồm: Các chính sách giảm nghèo thường xuyên (tín dụng ưu đãi; chính sách hỗ trợ sản xuất, đất sản xuất và trồng rừng; chính sách dạy nghề và tạo việc làm; chính sách nhà ở và nước sinh hoạt; chính sách giáo dục-đào tạo; chính sách y tế…); các chương trình giảm nghèo (chương trình hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Chương trình 135, Chương trình 30a...).
Chính sách trợ giúp xã hội được triển khai kịp thời, được điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp; đồng thời, mức chuẩn trợ cấp cũng được điều chỉnh tăng lên theo khả năng ngân sách của Nhà nước. Trước ngày 1.7.2024, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng, từ 1.7.2024, chuẩn trợ giúp mức xã hội là 500.000 đồng/tháng.
Chính sách giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu, được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao.
Theo Bộ LĐTBXH, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,6% năm 2012 xuống còn 4,25% năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1,9%, giảm trên 1%; tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, giảm trên 3%.
Củng cố trụ cột an sinh, nâng cao đời sống
Bà Lan Hương nhấn mạnh, để đảm bảo an sinh xã hội bền vững, cần có giải pháp toàn diện, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt đầu tư nguồn lực từ cơ sở. Đồng thời, phải thực hiện tốt các trụ cột an sinh như bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững; phát triển việc làm, nâng cao thu nhập, tay nghề cho người lao động, gắn an sinh với tăng trưởng kinh tế bền vững.
https://laodong.vn/cong-doan/an-sinh-chu-dong-giai-phap-giup-nguoi-lao-dong-ung-pho-rui-ro-1458564.ldo