Quang cảnh hội thảo về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Ảnh: Thành An
Nhu cầu bức thiết tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tiễn
Ngày 25.4, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất, Khu kinh tế các tỉnh phía Nam năm 2025 với chủ đề "Giải pháp thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở bước vào kỷ nguyên mới".
Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu đến từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo, cán bộ công đoàn chuyên trách ở khu vực miền Nam, đại diện một số đơn vị ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung cùng tham dự.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tập trung đông đảo công nhân lao động, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước. Trong thời gian qua, tổ chức công đoàn trong khu vực đã có những nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khẳng định vai trò là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu - phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thành An
Tuy nhiên, trước yêu cầu và thách thức của thời kỳ hội nhập, sự vận động không ngừng của thị trường lao động, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước... đòi hỏi phải cùng nhau tìm ra những giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn.
Nhiều giải pháp được đề xuất để vượt qua hạn chế, khó khăn
Theo Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương, một trong những khó khăn thách thức lớn nhất trong công tác phát triển đoàn viên là sụt giảm nghiêm trọng nguồn lao động; tuyển dụng mới khá khó khăn do cạnh tranh, tâm lý người lao động muốn làm việc gần quê nhà; suy giảm đơn hàng, chi phí đầu vào tăng... mà chỉ tiêu phát triển đoàn viên lại cao gấp đôi so với năm 2024.
Khó khăn phát triển đoàn viên cũng diễn ra ở các KCN tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: "Hiện nay, tỉ lệ tổng số đoàn viên trên tổng số người lao động tại các KCN trên địa bàn đã đạt 98%, phần còn lại chủ yếu là công nhân ở các doanh nghiệp mới thành lập. Địa phương cũng định hướng tập trung những doanh nghiệp ứng dụng mạnh về công nghệ, sử dụng ít lao động trong sản xuất...".
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam tham dự hội thảo. Ảnh: Thành An
Các đại biểu đã nêu lên những giải pháp để triển khai trong thời gian tới như: kiên định mục tiêu cao nhất là chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò của công đoàn cơ sở; không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức, xây dựng quan hệ lao động bền vững...
Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch CĐCS qua chuyên nghiệp hóa, chuẩn hóa, tuyển chọn, bồi dưỡng và đánh giá định kỳ; tạo hệ sinh thái CĐCS hiện đại...
Bà Nguyễn Kim Huệ - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt - nêu ý kiến. Ảnh: Thành An
"Muốn công đoàn bước vào kỷ nguyên mới không thể chỉ thay đổi khẩu hiệu, mà phải thay đổi cách làm, mỗi chủ tịch CĐCS cần như một người đại diện thực sự, người quản trị hiện đại, người đang đứng tuyến đầu vì người lao động", bà Nguyễn Kim Huệ - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt - nêu ý kiến trong tham luận.
Kết luận tại hội thảo, ông Đoàn Đức Hân - Phó Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam - đề nghị các đại biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo, xem xét áp dụng phù hợp để triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập mới CĐCS được giao.
https://laodong.vn/cong-doan/tim-giai-phap-hieu-qua-de-phat-trien-doan-vien-thanh-lap-cong-doan-co-so-1496969.ldo