Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu chủ trì Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công đoàn về dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi). Ảnh: Kiều Vũ
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công đoàn.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh đến thực trạng quyền lợi của người lao động không được giải quyết, nhất là về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khi doanh nghiệp phá sản. Một trong những lý do là vì hành lang pháp lý để giải quyết quyền lợi cho người lao động trong trường hợp này còn nhiều khoảng trống.
Do đó, rất cần thiết cho ý kiến về việc xử lý nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cơ chế giải quyết quyền lợi cho người lao động; quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn…
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Mai
Các ý kiến tại hội nghị xoay quanh thực trạng, giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản.
Đại diện LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo báo cáo của Tòa án nhân dân Thành phố năm 2024 phục vụ công tác giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố, ngành Tòa án đã thụ lý 105 đơn yêu cầu, giải quyết 70 đơn, trong đó 48 quyết định không mở thủ tục phá sản, 22 quyết định mở thủ tục phá sản. Cụ thể, cấp thành phố thụ lý 33 đơn, giải quyết 14 đơn đạt 42,42%, cấp huyện thụ lý 72 đơn, giải quyết 56 đơn đạt 77,77%.
Từ thực tiễn, theo LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù pháp luật đã trao quyền và thực tiễn cũng cho thấy vai trò quan trọng của Công đoàn, nhưng quá trình phối hợp giữa Công đoàn và các cơ quan chức năng trong thủ tục phá sản hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong số đó là doanh nghiệp không chủ động thực hiện thủ tục phá sản: Theo luật định, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, người đại diện theo pháp luật có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít doanh nghiệp tự nguyện thực hiện nghĩa vụ này, đặc biệt là các doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động. Nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn, né tránh trách nhiệm khiến Công đoàn phải đứng ra khởi xướng thủ tục nhưng thường đã quá muộn.
Các điểm cầu trực tuyến của hội nghị. Ảnh: Phương Mai
Ý kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động Công đoàn chỉ rõ thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 cho thấy, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản nợ, trong đó có nợ lương, các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp vẫn còn bất cập, chưa thực sự bảo vệ đầy đủ người lao động - nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất khi doanh nghiệp phá sản.
Với mục tiêu sửa đổi Luật Phá sản một cách toàn diện, việc làm rõ cơ sở khoa học về quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trước các khoản nợ khác trong thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã một cách “hợp tình - hợp lý” là vô cùng cần thiết, qua đó bảo đảm công bằng xã hội, thực hiện đúng cam kết quốc tế và thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh...
https://laodong.vn/cong-doan/tong-ldldvn-lay-y-kien-ve-du-thao-luat-pha-san-sua-doi-1492916.ldo