Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 11:07 04/07/2025 (GMT+7)
Lao động trẻ phải trả giá khi không bồi đắp kỹ năng mềm

Nhiều lao động trẻ, sinh viên, cử nhân không chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng mềm. Khi gia nhập thị trường lao động, nhóm này gặp không ít khó khăn.

Lao động trẻ phải trả giá khi không bồi đắp kỹ năng mềm
Nhiều lao động trẻ, sinh viên, cử nhân không chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng mềm. Khi gia nhập thị trường lao động, nhóm này không được đánh giá cao. Ảnh: Quỳnh Chi

Mất thêm cả năm để bồi đắp kỹ năng còn thiếu

Tốt nghiệp Ngành Luật Kinh tế (Đại học Lao động Xã hội) tháng 6. 2024, anh Đỗ Hữu Nghĩa (phường Thanh Liệt, Hà Nội) nộp hồ sơ ứng tuyển vào 3 công ty trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Sau 2 tháng chờ đợi và được gọi phỏng vấn, cả 3 nơi đều từ chối nhận anh Nghĩa làm việc.

“Cả 3 công ty, trong đó có 1 công ty luật, 2 doanh nghiệp sản xuất tuyển nhân viên bộ phận pháp chế, đều từ chối tôi với lý do chưa bao giờ làm thêm/học việc lĩnh vực sát với ngành đã học và các kỹ năng mềm, tin học văn phòng, tiếng Anh quá kém”, anh Nghĩa nói.

Sau khi bàn bạc với gia đình, anh Nghĩa quyết định dành 1 năm để bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng còn thiếu. Anh đăng ký học tiếng Anh tại một trung tâm với lộ trình rõ ràng về các mốc trình độ để tăng kỷ luật cho bản thân, đồng thời tự học thêm tin học văn phòng. Anh Nghĩa cũng xin học việc tại một văn phòng luật trên phố Giang Văn Minh (Hà Nội) với công việc khởi điểm là soạn thảo các hợp đồng kinh tế đơn thuần.

“Nhiều người nghĩ tốt nghiệp đại học rồi đi học việc với công việc soạn thảo các hợp đồng kinh tế là lãng phí thời gian và không cần thiết, nhưng làm rồi tôi mới thấy ngay cả những yêu cầu cơ bản về tin học văn phòng như thể thức trình bày văn bản, viết đúng chính tả… tôi còn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, thông qua việc soạn thảo hợp đồng, tôi phải đọc lại các kiến thức về luật kinh tế và các bộ luật liên quan, củng cố lại những điều đã được học”, anh Nghĩa nói.

Tháng 6.2025, anh Nghĩa học xong khóa tiếng Anh, nâng trình độ Ielts tiếng Anh từ 4.0 lên 6.5; kỹ năng làm việc nhóm cũng được nâng cao nhờ được phân công đọc hồ sơ và tóm tắt báo cáo thời gian học việc ở văn phòng luật.

“Tôi mới được gọi phỏng vấn tại một công ty xuất khẩu nông sản. Sau khi tham gia phỏng vấn, tín hiệu rất khả quan. Ngay cả không được vào làm ở đây, tôi cũng tự tin hơn nhiều so với trước đây khi ứng tuyển ở những doanh nghiệp khác”, anh Nghĩa nói.

Cũng mất cả năm trời nâng cao kỹ năng mềm, chị Hoàng Thục Anh (quê Thanh Hóa) tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại năm 2024 nhưng đến tháng 3.2025 mới đi làm, sau khi mất gần 1 năm nâng cao kỹ năng.

“Tôi tốt nghiệp loại giỏi Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Thương mại năm 2024. Nhờ họ hàng tiến cử, tôi thử việc tại Phòng Nhân sự của một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). Dù được giới thiệu, nhưng sau 2 ngày đi làm, chính tôi chủ động xin nghỉ vì vấn đề chủ quan của chính bản thân mình”, chị Thục Anh nói.

Theo chị Thục Anh, suốt 4 năm học đại học, chị ở cùng gia đình cậu ruột và bà ngoại. Mỗi ngày, ngoài thời gian lên lớp, chị về nhà, không giao lưu, không làm thêm và không tham gia bất cứ hoạt động nào của nhà trường, của lớp tổ chức. “Thậm chí, đến bữa ăn bà ngoại gọi tôi mới xuống nhà”, chị Thục Anh thừa nhận.

Cũng vì không giao tiếp và chỉ cắm cúi cho việc học, kỹ năng giao tiếp của chị Thục Anh, như chị thừa nhận, là “âm điểm”. Chị ngại trò chuyện và thậm chí gặp khó khăn khi diễn đạt ý tưởng của bản thân.

Sau khi xin nghỉ thử việc ở công ty may mặc, chị Thục Anh xin làm thêm ở cửa hàng thời trang, sau đó làm nhân viên bộ phận bàn của một nhà hàng trên địa bàn phường Cầu Giấy (Hà Nội).

Gần 1 năm đi làm, kỹ năng giao tiếp được cải thiện đáng kể, chị Thục Anh tự tin xin việc với tấm bằng loại giỏi. “Tôi thực sự hối tiếc vì đã phải mất gần 1 năm để bồi dưỡng một kỹ năng mà không nhiều người khuyết thiếu; nếu có khuyết thiếu thì cũng tranh thủ bồi dưỡng trong quá trình học đại học”, chị Thục Anh chia sẻ.

Không nên coi nhẹ kỹ năng mềm

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Trung – nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho hay, hầu hết nhà quản lý nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp đều khẳng định, cách duy nhất để trau dồi kỹ năng mềm là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo thành phản xạ tức thời trước mọi tình huống.

“Kỹ năng mềm được xem là chìa khóa quan trọng giúp con người phát triển, mở ra cánh cửa dẫn tới thành công. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, để trở thành người năng động, sáng tạo và làm chủ mọi tình huống, kỹ năng mềm còn là yếu tố quan trọng, quyết định việc thành bại trong quá trình làm việc. Với lao động tham gia thị trường lao động, càng phải quan tâm bồi dưỡng kỹ năng này”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, nhiều sinh viên sau khi ra trường dù rất tự tin với kiến thức nhưng vẫn bối rối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. “Có những sinh viên học rất tốt trong trường đại học nhưng khi làm việc lại gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc trang bị kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng đối với mỗi sinh viên”, ông Trung khẳng định.

https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-tre-phai-tra-gia-khi-khong-boi-dap-ky-nang-mem-1534579.ldo

Quỳnh Chi (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: