Thời sự
Cập nhật lúc 08:08 03/02/2025 (GMT+7)
8 hành vi bị cấm đối với người làm công tác thanh tra

Thanh tra Chính phủ đã quy định rõ 8 hành vi mà nếu vi phạm, người tiến hành thanh tra sẽ chịu xử lý theo pháp luật.

8 hành vi bị cấm đối với người làm công tác thanh tra
Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Ảnh: VGP

Từ ngày 3.2, Thông tư số 08/2024/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chính thức có hiệu lực.

Thông tư gồm có 4 chương, 27 điều, 51 mẫu văn bản và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3.2.2025, thay thế Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 1.10.2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Một trong những điểm nhấn của Thông tư số 08/2024 là việc quy định cụ thể các mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra. Thông tư số 08/2024 cũng nêu rõ từng bước trong quy trình thanh tra, từ việc thu thập thông tin chuẩn bị thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, đến công bố quyết định và triển khai thực hiện...

Đáng chú ý, Thông tư 08/2024 dành 1 điều quy định chi tiết 8 hành vi sẽ bị xử lý vi phạm của người tiến hành thanh tra.

Người tiến hành thanh tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có một trong các hành vi sau:

Thứ nhất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.

Thứ hai, thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.

Thứ ba, cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra.

Thứ năm, tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.

Thứ sáu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.

Thứ bảy, không báo cáo hành vi vi phạm pháp luật đã được phát hiện; báo cáo, kết luận không đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

Thứ tám, làm sai lệch hồ sơ thanh tra; giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nhằm kết luận, báo cáo sai sự thật; chiếm đoạt hồ sơ thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra chủ trì kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và kiến nghị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người ra quyết định thanh tra đồng thời là Thủ trưởng cơ quan thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chủ trì kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trưởng đoàn thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra thì người ra quyết định thanh tra chủ trì kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và quyết định xử lý hoặc kiến nghị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Thành viên Đoàn thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra chủ trì kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và kiến nghị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra để xem xét, quyết định xử lý hoặc kiến nghị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

https://laodong.vn/thoi-su/8-hanh-vi-bi-cam-doi-voi-nguoi-lam-cong-tac-thanh-tra-1457488.ldo

PHẠM ĐÔNG (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: