Một trong những cách làm được Bình Liêu áp dụng đầu tiên, đó là biến việc mặc trang phục dân tộc thành một qui định.
HĐND huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết 232/NQ-HĐND ngày 21.12.2018 và UBND huyện ban hành Quyết định số 3536/QĐ-UBND ngày 27.12.2018 về việc phê duyệt “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Nghị quyết, địa phương đã triển khai “Tuần trang phục dân tộc” đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, nhân dân trong toàn huyện.
Theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ mặc trang phục của dân tộc mình 2 ngày/tuần và khuyến khích nhân dân trên địa bàn mặc trang phục dân tộc mình để đi lao động sản xuất, trong các hoạt động văn hóa, thể thao.
Với cách làm này, mặc trang phục dân tộc từ việc là một quy định đã dần trở thành một thói quen, một niềm yêu thích của bà con nơi đây.
Đó cũng là lý do trong những năm gần đây, khi đến với Bình Liêu, nhiều người sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân mặc trang phục dân tộc tại các nghi lễ truyền thống, đám cưới, chợ phiên.
Năm 2020, khắp các phương tiện truyền thông cùng mạng xã hội rầm rộ hình ảnh những nữ cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá xã Húc Động mặc áo váy dân tộc Sán Chỉ ra sân đá bóng giao hữu với các Hoa hậu, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam.
CLB Bóng đá nữ xã Húc Động thành lập năm 2017, sau 1 thời gian thi đấu đến đầu năm 2018 câu lạc bộ đã quyết định chuyển từ quần đùi áo số sang váy áo dân tộc Sán Chỉ.
Anh Trần A Tám - Huấn luyện viên trưởng đội bóng đá nữ xã Húc Động cho biết: CLB bóng đá nữ xã Húc Động có các cầu thủ đều là người dân tộc Sán Chỉ. Khi ra sân đội bóng có 2 trang phục thi đấu áo xanh nhạt và áo xanh đậm, mặc váy, đầu quấn khăn.
Tháng 11 năm 2020, CLB có trận đấu bóng giao hữu với các Hoa hậu, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam. Các Hoa hậu, Á hậu cũng mặc quần áo Sán Chỉ đá bóng như người dân địa phương. Có lẽ từ đó, đội bóng đá của chúng tôi được biết đến nhiều hơn. Riêng năm 2024, CLB đã có hơn 20 trận bóng giao hữu với các đội bóng khác ngoài địa phương.
Những cầu thủ đá bóng làm nhiều công việc khác nhau trong xã nhưng đa số làm nông nghiệp. Hiện CLB có 25 cầu thủ độ tuổi từ 16 đến hơn 40 tuổi.
Chị Mảy Thị Năm – CLB bóng đá xã Húc Động cho biết: Các buổi đá bóng thường diễn ra vào thứ 7 hoặc chủ nhật. Mặc quần áo dân tộc mình đá bóng mọi sự chú ý đều dồn về đội bóng, tôi rất hãnh diện, thi thoảng lại có du khách xin chụp chung 1 tấm hình với tôi hay với đội bóng, thật sự rất vui. Từ những bức hình đó, hình ảnh những cô gái đá bóng trang phục dân tộc Sán Chỉ sẽ đi khắp muôn nơi.
Đến nay tại xã Húc Động ngoài CLB bóng đá xã Húc Động còn có 6 đội bóng đá nữ khác của các thôn Nà Ếch, Khe Mó, Mó Túc, Pò Đán, Lục Ngù, Thánh Thìn.
Ông Tô Đình Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH huyện Bình Liêu - cho biết: Địa phương có rất nhiều chương trình văn hóa lễ hội 4 mùa, tiêu biểu như: Lễ hội mùa vàng, lễ hội đình Lục Nà, lễ hội hoa sở, hội Kiêng gió, Hội Soóng cọ, lễ mừng cơm mới... Tại những lễ hội này, những người biểu diễn mặc các trang phục dân tộc đa số là người dân bản địa, những người dân lao động trên ruộng, trên rừng. Khi được trình diễn các bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình họ rất hãnh diện và tự tin về điều đó.
https://laodong.vn/xa-hoi/binh-lieu-gin-giu-trang-phuc-dan-toc-qua-hoat-dong-van-hoa-1445438.ldo