Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Hải Phòng cần dồn lực để thực hiện thành công 2 nghị quyết trọng tâm
Ngày 18.12, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, cùng với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025.
Công bố 2 nghị quyết
Ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội - dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ.
Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - công bố 2 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả hai nghị quyết này đều có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.
Nghị quyết số 169/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 30.11.2024 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng. Nghị quyết này quy định rõ về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố. Chính quyền địa phương ở TP Hải Phòng, TP Thủy Nguyên, huyện, xã, thị trấn tại thành phố là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố là UBND quận. Chính quyền địa phương ở các phường tại thành phố là UBND phường (quận và phường không có HĐND). Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng theo mô hình được quy định tại nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1.7.2025.
Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Hải Phòng giai đoạn 2023-2025 được thông qua ngày 24.10.2024.
Theo nghị quyết này, huyện Thủy Nguyên được chuyển thành TP Thủy Nguyên, huyện An Dương chuyển thành quận An Dương, chuyển các xã An Hồng, An Hưng và Đại Bản của huyện An Dương về quận Hồng Bàng, đồng thời sáp nhập các xã, phường lại.
Khi nghị quyết có hiệu lực, TP Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố); 167 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 50 đầu mối) gồm 79 phường, 7 thị trấn và 81 xã.
Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị
Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố 2 nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn, xu thế phát triển của thành phố; tạo điều kiện tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công chức và nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và nhân dân. Thành phố phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và dồn lực để tổ chức thực hiện.
Để triển khai hiệu quả 2 nghị quyết quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP Hải Phòng tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo đúng tinh thần của nghị quyết, đảm bảo tính ổn định, thống nhất, không gây gián đoạn trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp sau khi sắp xếp, đảm bảo tính thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thành phố cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các nghị quyết. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến thay đổi giấy tờ, hồ sơ của người dân và doanh nghiệp sau sắp xếp; giải quyết thấu đáo các vướng mắc, kiến nghị phát sinh trong quá trình triển khai; bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động, nhất là những người chịu tác động từ việc tinh giản biên chế hoặc sắp xếp lại vị trí việc làm.
Thành phố cần tăng cường giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là chú ý bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy việc, chạy chức, chạy quyền. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hải Phòng cần có chính sách, cơ chế đặc thù để đáp ứng được yêu cầu phát triển, cất cánh, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của thành phố cần quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả chỉ đạo, mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm khi về làm việc với Hải Phòng ngày 14.11 vừa qua là: Hải Phòng cần phải tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò, vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống...
Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định sẽ khẩn trương tiếp thu ý kiến chỉ đạo sâu sắc và toàn diện của Chủ tịch Quốc hội, bổ sung và hoàn thiện các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện thật tốt 2 nghị quyết nói trên.
https://laodong.vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-hai-phong-can-don-luc-de-thuc-hien-thanh-cong-2-nghi-quyet-trong-tam-1438380.ldo
MAI CHI (BÁO LAO ĐỘNG)