Chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi
Ngoài tăng thu nhập cho người lao động lớn tuổi, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu giúp họ phát huy kinh nghiệm quý báu đã được tích lũy trong quá trình lao động.
Bộ Nội vụ đề xuất tham khảo kéo dài tuổi nghỉ hưu của công chức đến 70 tuổi ở một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn. Ảnh minh họa: Hương Nha
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ soạn thảo dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới. Trong đó, Bộ Nội vụ đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tuổi nghỉ hưu.
Trung Quốc: Nghỉ hưu khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị mất hoàn toàn khả năng lao động.
Trung Quốc cũng quy định những trường hợp công chức được nghỉ hưu trước tuổi khi tự nguyện xin nghỉ hưu và được cơ quan quản lý chấp thuận: Đã làm việc được 30 năm; Cách tuổi nghỉ hưu do Nhà nước quy định dưới 5 năm và đã làm việc đủ 20 năm; Các trường hợp khác được nghỉ hưu sớm theo quy định của pháp luật.
Nhật Bản: Công chức hành chính nghỉ hưu từ 60 tuổi, đối với các vị trí công việc đặc thù, khó bổ sung nhân sự, độ tuổi nghỉ hưu hơn 60 tuổi nhưng không được quá 65 tuổi.
Công chức tham gia bảo vệ tòa nhà Chính phủ và nhân viên kỹ thuật là 63 tuổi. Nhân viên y tế có tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi. Quy định này không áp dụng đối với công chức tạm thời, công chức được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ và công chức làm việc bán thời gian.
Bộ trưởng có quyền kéo dài thời gian công tác đối với công chức đã đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc thêm 1 năm và có thể gia hạn 1 lần sau khi thống nhất với Hội đồng Nhân sự quốc gia.
Thái Lan: Nghỉ hưu nếu đủ 60 tuổi. Đối với những vị trí kỹ thuật hoặc các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng cá nhân có thể tiếp tục phục vụ Chính phủ tới 70 tuổi.
Theo Bộ Nội vụ, các quốc gia hầu hết quy định tuổi nghỉ hưu 60-65 tuổi nhưng đối với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia có thể kéo dài đến 75 tuổi. Các quốc gia cũng quy định chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, có nhu cầu nghỉ sớm để kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái.
Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.
Chia sẻ với Lao Động về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nay là Bộ Nội vụ) cho rằng, tuổi nghỉ hưu của một đời người được xác định bởi tuổi thọ và khả năng kinh tế đủ để sinh sống khi hết tuổi lao động.
Trên thực tế, nhiều người lao động nghỉ hưu vẫn có nhu cầu làm việc và đóng góp cho xã hội. Điều này chứng tỏ, xu hướng tăng tuổi hưu ngoài lý do đáp ứng nhu cầu làm việc, còn có thể giúp tăng thêm một khoản thu nhập chính đáng cho người lao động lớn tuổi.
Nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội cần có sự chuẩn bị tốt hơn để sử dụng lao động là người cao tuổi, khuyến khích các cá nhân, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm và môi trường làm việc phù hợp với năng lực, sức khỏe của họ. Từ đó, phát huy kinh nghiệm quý báu của họ đã được tích lũy trong quá trình lao động.
Theo Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
https://laodong.vn/thoi-su/chuyen-gia-co-van-co-the-keo-dai-tuoi-nghi-huu-den-70-tuoi-1489666.ldo
HƯƠNG NHA (báo lao động)