Có nhà ở rồi vẫn thuê nhà ở xã hội, sau đó cho thuê lại để lấy chênh lệch
Đại biểu Quốc hội lưu ý việc xét duyệt không kỹ, có nhà rồi vẫn được thuê nhà ở xã hội, sau một thời gian cho người khác thuê lại lấy chênh lệch.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chỉ ra thực trạng thuê nhà ở xã hội để cho người khác thuê lại. Ảnh: Phạm Đông
Ngày 24.5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, rất thống nhất đối với việc cắt giảm thủ tục hành chính. Cắt giảm thủ tục là việc tất nhiên, nhưng điều quan trọng, cốt lõi là chất lượng công trình phải đảm bảo.
"Có một điều nghịch lý trong thời gian qua, nhà ở thương mại thì xây dựng rất tốt nhưng nhà ở xã hội thì xây dựng không tốt, nhanh xuống cấp. Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có quy định làm sao để chất lượng xây dựng ổn hơn và tốt hơn", đại biểu nói.
Theo đại biểu, một trường hợp lưu ý nữa, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là công chức, viên chức thuê nhà để ở, tuy nhiên thuê rồi không ở mà cho người khác thuê lại.
Đại biểu nêu rõ đây là một điểm nghịch lý và hiện nay đã có chuyện này xảy ra. Ban soạn thảo nên quan tâm và có chế tài đặc biệt đối với những trường hợp này.
"Xét duyệt không kỹ, đã có nhà rồi vẫn cho thuê, sau một thời gian lại cho người khác thuê lại lấy chênh lệch, đó là việc không nên", đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cho biết, từ thực tiễn địa phương, còn một số vướng mắc rất lớn nếu như không tháo gỡ sẽ rất khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Đại biểu dẫn chứng hiện nay nhu cầu nhà ở của cán bộ công nhân viên, trong đó có công nhân viên ngành than, lực lượng vũ trang, Tổng công ty Đông Bắc của Bộ Quốc phòng là rất lớn.
Tuy nhiên, quy định về nhà ở, việc quản lý, vận hành quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng đối với mô hình này chưa có nội dung cụ thể nên tỉnh Quảng Ninh hiện nay phải vận dụng, triển khai đầu tư xây dựng mô hình nhà ở tập thể hoặc nhà nghỉ ca của ngành than.
Luật Nhà ở có bổ sung một chương về nhà lưu trú công nhân đầu tư xây dựng trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, đối với loại hình nhà tập thể của ngành than thì không áp dụng được theo Luật Nhà ở, do việc đầu tư xây dựng để bố trí cho công nhân thuê, xây dựng trên đất thương mại dịch vụ không phải đất ở trong khu công nghiệp.
Do vậy đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung đối tượng là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoặc doanh nghiệp có nhiều lao động để đầu tư xây dựng nhà lưu trú, xây dựng trên đất thương mại dịch vụ để công nhân, người lao động thuê và được hưởng các chế độ ưu đãi như các dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
Đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đại biểu Phan Đức Hiếu. Ảnh: Phạm Đông
Nhất trí với ý kiến này, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho biết quy định hiện nay xây nhà lưu trú cho công nhân nhưng phải trong khu công nghiệp.
"Bây giờ những doanh nghiệp mỏ ở Quảng Ninh làm sao khoanh được cả tỉnh đấy là khu công nghiệp trong khi nhu cầu của công nhân họ vẫn có.
Tôi đề nghị mạnh dạn bỏ yêu cầu bắt buộc là trong khu công nghiệp, thậm chí mạnh dạn giao cho tỉnh thí điểm, tỉnh nào có nhu cầu thực sự và có hoàn cảnh thực sự thì nên để tự giao", đại biểu kiến nghị và cho biết quy định như hiện tại là rất cứng.
Đại biểu cũng nêu có trường hợp doanh nghiệp mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, họ cho công nhân ở nhưng lại không ở hết nhưng cũng không được cho công nhân của doanh nghiệp khác đến ở.
Nhấn mạnh đây là sự lãng phí lớn, đại biểu cho rằng đã thí điểm thì nên cho phép mở rộng điều kiện này.
https://laodong.vn/thoi-su/co-nha-o-roi-van-thue-nha-o-xa-hoi-sau-do-cho-thue-lai-de-lay-chenh-lech-1512082.ldo
PHẠM ĐÔNG (báo lao động)