Đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào những quyết sách của Quốc hội
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (Quốc hội khóa XV) với nhiều luật, nghị quyết được thông qua trong thời gian ngắn đã tạo tiền đề vững chắc, đánh dấu bước chuyển mình trong xây dựng pháp luật, điều hành kinh tế - xã hội và tổ chức bộ máy Nhà nước.
TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Ảnh: Hải Nguyễn
Tạo tiền đề, đánh dấu một giai đoạn mới
Hôm qua (19.2), sau hơn 6 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã kết thúc. Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội trong xây dựng pháp luật. Mặc dù kỳ họp diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã đưa ra được nhiều nội dung quan trọng, không chỉ là kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề theo quy định của Hiến pháp.
Hơn nữa, kỳ họp này còn tạo tiền đề, đánh dấu một giai đoạn mới, bước chuyển mình của dân tộc, đánh dấu mạnh mẽ chuyển biến về xây dựng pháp luật, điều hành kinh tế - xã hội, cho đến bộ máy Nhà nước.
“Kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu thông qua với tỉ lệ tán thành cao và không khí kỳ họp sôi nổi, hướng về phía trước với tất cả các động lực tích cực. Bản thân tôi cũng như cử tri theo dõi kỳ họp tin rằng với những khó khăn về cơ chế, thể chế đã được tháo gỡ, năm 2025 sẽ là năm bứt phá, góp phần vào hoàn thành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và cũng là kết quả để hướng tới Đại hội XIV thành công tốt đẹp trong năm 2025” - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội nói.
Đặt kỳ vọng lớn vào những quyết sách của Quốc hội
Trên tinh thần “xắn tay” và khẩn trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc quyết đáp những vấn đề cấp bách của đất nước theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, một số đại biểu cho rằng, hiệu ứng từ chủ trương của Đảng đã tạo sự đồng bộ, kịp thời, tạo thành sức mạnh tổng hợp.
TS Nguyễn Viết Chức cho biết thêm, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đây là kỳ họp bất thường có thời gian diễn ra dài nhất, bàn về những dự án luật rất quan trọng, cần thiết, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, trong đó trọng tâm là để thực hiện Nghị quyết 18 một cách hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Các luật được thông qua như Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đều là những luật căn cốt, liên quan đến con người, cơ cấu tổ chức bộ máy, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế để đất nước bước vào kỷ nguyên mới trong xu thế phát triển.
Chia sẻ với PV Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, đây là một kỳ họp mà mang lại nhiều kỳ vọng cho nhân dân, cử tri cả nước. Đặc biệt, kỳ họp đã đưa ra những quyết sách mà bản thân cử tri cũng như cá nhân ông đặt nhiều kỳ vọng.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc Quốc hội tăng chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2025 lên 8% là có cơ sở và dư địa để thực hiện. Bởi hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã cán mốc 400 tỉ USD, 9 năm liên tiếp Việt Nam xuất siêu, không chỉ chứng tỏ vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh với nước ngoài, mà còn tác động đến GDP, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu 11 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để góp phần thúc đẩy GDP đạt mức 8% trở lên, cần có thêm các giải pháp về nguồn cung tiền, tỉ lệ dự trữ bắt buộc nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%. Chính sách tài khóa cũng cần đồng hành với chính sách tiền tệ và các giải pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Đáng chú ý là cần có lộ trình tăng thuế thận trọng trong bối cảnh các loại thuế có xu hướng tăng, nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Một giải pháp nữa là về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
https://laodong.vn/thoi-su/dat-nhieu-niem-tin-ky-vong-vao-nhung-quyet-sach-cua-quoc-hoi-1465726.ldo
Cao Nguyên (BÁO LAO ĐỘNG)