Thời sự
Cập nhật lúc 09:08 14/05/2025 (GMT+7)
Đề nghị không kỷ luật người nghiên cứu khoa học nếu thất bại

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với người nghiên cứu khoa học nếu thất bại khi đã thực hiện đúng các quy định.

Đề nghị không kỷ luật người nghiên cứu khoa học nếu thất bại
Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị bổ sung việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật cho người nghiên cứu khoa học nếu thất bại. Ảnh: Phạm Đông

Chiều 13.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một trong các nội dung đáng chú ý là quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) nêu ý kiến về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm.

Dự thảo luật quy định loại trừ trách nhiệm của hai nhóm chủ thể là cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá, thử nghiệm và tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thực hiện.

Đại biểu cho hay, theo quy định của dự thảo luật, các chủ thể này không phải chịu trách nhiệm dân sự, không bị xử phạt vi phạm hành chính, không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp theo quy định.

Như vậy, theo dự thảo luật có các loại trách nhiệm được loại trừ là trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự.

“Tôi nhận thấy trong pháp lý có 4 loại trách nhiệm, bên cạnh 3 loại trách nhiệm pháp lý nêu trên, còn một loại trách nhiệm pháp lý nữa đó là trách nhiệm kỷ luật.

Việc không quy định xem xét loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với hai nhóm chủ thể nêu trên, dẫn đến các chủ đề này thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm theo quy định nhưng khi thiệt hại xảy ra có thể vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật”, đại biểu phân tích.

Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật, việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với 2 nhóm chủ thể nêu trên khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định thử nghiệm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Phạm Đông
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Phạm Đông

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cũng nhấn mạnh, tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm là hết sức quan trọng, phải được xác định rõ trong luật.

Do đó, đề nghị bổ sung các tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm như có tính đổi mới sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, hoặc công nghệ xanh.

Theo đại biểu, điểm c khoản 1 Điều 21 dự thảo luật quy định miễn trách nhiệm hình sự; điểm c khoản 2 điều này cho phép sử dụng trách nhiệm dân sự thay thế cho trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo lại không có quy định cụ thể về tiêu chí, thẩm quyền quyết định việc miễn trừ.

Do đó, đề nghị bổ sung; đồng thời, sửa đổi quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự để một mặt khuyến khích đổi mới sáng tạo hợp pháp, mặt khác, không bỏ lọt tội phạm và tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan, gây nguy hại cho xã hội.

Đại biểu cũng nói thêm về nguyên tắc đổi mới sáng tạo trong xây dựng chính sách, pháp luật. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nguyên tắc đổi mới sáng tạo là một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả để xây dựng một môi trường pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định bắt buộc đánh giá tác động của các đề xuất chính sách, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đối với khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và xã hội.

https://laodong.vn/thoi-su/de-nghi-khong-ky-luat-nguoi-nghien-cuu-khoa-hoc-neu-that-bai-1505962.ldo

PHẠM ĐÔNG (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: