Đề xuất bỏ thi nâng ngạch, bổ nhiệm công chức theo vị trí việc làm
Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng vị trí việc làm được giao, đảm bảo nhiệm vụ theo năng lực.
Theo ông Nguyễn Xuân Tự, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là bỏ thi nâng ngạch công chức. Ảnh: Tống Giáp
Trao đổi tại cuộc họp báo Bộ Nội vụ quý I/2025 mới đây, ông Nguyễn Xuân Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) - cho biết, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với luật hiện hành.
Ông Nguyễn Xuân Tự đã có phân tích cụ thể với những nội dung đề xuất, sửa đổi, bổ sung đáng chú ý của với dự thảo luật này.
Thứ nhất, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định liên thông công chức, viên chức cấp xã, cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Việc hoàn thiện quy định này nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã. Quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức, viên chức được bầu hoặc được tuyển dụng trước ngày luật có hiệu lực thi hành.
Thứ hai là sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với cải cách hành chính, trong đó có 3 nội dung chính liên quan đến vấn đề này.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức nhắc tới việc chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Theo đó, làm rõ các quy định về đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, căn cứ vào yêu cầu vị trí việc làm, năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng vị trí việc làm được giao, đảm bảo nhiệm vụ theo năng lực.
Hai là, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng tuyển chọn người đáp ứng được ngay vị trí việc làm. Sau khi trúng tuyển, công chức được bổ nhiệm, xét lương vào ngạch công chức, viên chức tương ứng vị trí việc làm, không thực hiện chế độ tập sự. Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, thống nhất ở cấp quốc gia, để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Ba là, nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng, sàng lọc công chức, viên chức, trong đó quy định việc đánh giá công chức thì phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo vị trí việc làm đang đảm nhiệm.
"Những nội dung này sẽ thay thế các tiêu chí đánh giá chung, dựa trên cảm tính; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá việc sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm" - ông Tự nhấn mạnh.
Khắc phục tình trạng phân tán cục bộ trong quản lý công chức của hệ thống chính trị. Qua đó, bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện theo hướng tinh gọn.
Từ đó, cơ quan quản lý siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất, quy định việc sàng lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-bo-thi-nang-ngach-bo-nhiem-cong-chuc-theo-vi-tri-viec-lam-1499064.ldo
HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)