Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội “về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”.
Nghị quyết đã cho phép thí điểm thực hiện phương thức tiếp cận đất đai thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, mà không phải là đất ở.
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho biết, phương thức này cùng với hai phương thức tiếp cận đất đai khác là đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, bảo đảm sự phù hợp với định hướng của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, theo ông Châu bên cạnh việc hoàn thiện các phương thức tiếp cận đất đai để làm tăng nguồn cung dự án và tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại để góp phần kéo giảm giá nhà, còn có một mục tiêu rất quan trọng cần đạt được khi triển khai, thực hiện Nghị quyết số 171/2024/QH15 là phải thúc đẩy việc tái cấu trúc thị trường bất động sản, trọng tâm là phải tái cấu trúc thị trường nhà ở thương mại để phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Vị này nói, hiện nay tại một số đô thị lớn đang có tình trạng mô hình kim tự tháp, lệch pha sản phẩm nhà ở thương mại khi thừa phân khúc nhà ở cao cấp nhưng lại rất thiếu nhà ở thương mại vừa tiền và nhà ở xã hội.
Việc này dẫn đến giá nhà ở thương mại vẫn "neo cao", vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội.
Điển hình là thị trường nhà ở thương mại tại TPHCM trong 5 năm qua (2020-2024) đã cho thấy rất rõ tình trạng sụt giảm rất lớn nguồn cung dự án nhà ở thương mại dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung sản phẩm nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Năm 2020 không có dự án, năm 2021 có 7 dự án, năm 2022 có 2 dự án, năm 2023 có 2 dự án, 11 tháng đầu năm 2024 có 12 dự án.
Đáng chú ý, năm 2020, số lượng sản phẩm nhà ở giá vừa túi tiền chỉ có 163 căn, chiếm 1%, nhưng kể từ năm 2021 đến nay không còn sản phẩm nhà ở giá vừa túi tiền trên địa bàn TPHCM.
Ngược lại, phân khúc nhà ở cao cấp liên tục chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trên thị trường nhà ở tại TPHCM, cụ thể là năm 2020 chiếm 70,6%, năm 2021 chiếm 72%, năm 2022 chiếm 78,3%, năm 2023 chiếm 68,55% và đến năm 2024 chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường nhà ở với 100% nhà ở cao cấp.
“Giá nhà ở cao cấp trong 11 tháng đầu năm 2024 rất cao, bình quân lên đến 9,39 tỉ đồng/căn, mà đây mới chỉ là giá nhà sơ cấp do chủ đầu tư đăng ký giá nhà với Sở Xây dựng khi lập dự án đầu tư, nên chắc chắn giá bán nhà thực tế trên thị trường còn cao hơn nữa” - ông Châu dẫn chứng.
Điều này đã vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân. Do đó, cần bổ sung điều khoản để tái cấu trúc thị trường bất động sản, trọng tâm là tái cấu trúc thị trường nhà ở thương mại.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị bổ sung thêm một điều hoặc khoản vào dự thảo Nghị định cho UBND cấp tỉnh được ưu tiên chấp thuận dự án thí điểm đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề xuất thực hiện dự án nhà ở thương mại trung cấp hoặc dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
https://laodong.vn/bat-dong-san/de-xuat-moi-giam-lech-pha-nha-o-khi-gia-can-ho-cham-10-ti-dong-1445282.ldo