Thời sự
Cập nhật lúc 08:48 14/05/2025 (GMT+7)
Điều chỉnh luật phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp thuộc tổ chức công đoàn

Đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để phù hợp với Luật Công đoàn.

Sáng 13.5, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thảo luận tại Quốc hội.

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Võ Mạnh Sơn - ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cơ quan soạn thảo, xem xét chỉnh lý một số điều, khoản trong dự thảo luật.

Về đối tượng áp dụng luật (điều 1), theo đại biểu, để đảm bảo sự phù hợp với Luật Công đoàn và thực tiễn hoạt động, cần bổ sung đối tượng "các doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách), các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".

Từ thực tiễn quản lý, ông Võ Mạnh Sơn cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 điều 3 dự thảo luật, theo đó: Cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với phần vốn của các tổ chức này.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để phù hợp với Luật Công đoàn. Ảnh: Quochoi

Đối với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước (khoản 4 điều 11), đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp bao gồm cả vốn góp từ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tại điều 12 và 13 của dự thảo luật, ông Sơn cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp công đoàn hiện nay hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, ẩm thực, lữ hành, vui chơi, giải trí, các tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tín dụng phục vụ công nhân lao động hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng xuất phát từ nguồn vốn đã đầu tư.

Điều kiện trên phù hợp dự thảo luật, đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả và cần bổ sung điều lệ cho hoạt động của sản xuất kinh doanh quy định ở khoản 1 điều 13 dự thảo luật.

"Vì vậy đề nghị bổ sung doanh nghiệp có vốn đầu tư của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào khoản 1 điều 12 dự thảo luật", đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu.

Quang cảnh phiên thảo luận Quốc hội sáng 13.5. Ảnh: Quochoi
Quang cảnh phiên thảo luận Quốc hội sáng 13.5. Ảnh: Quochoi

Liên quan đến quy định về chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, đại biểu cho rằng quy định hiện nay có điểm chưa phù hợp.

Ông Sơn dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa có bán cổ phần cho các tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng nguồn vốn công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa để mua cổ phần nhưng không quá 3% vốn điều lệ.

"Do vậy, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về tiền thu từ chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp của tổ chức công đoàn để phù hợp với thực tiễn pháp luật hiện hành và Luật Công đoàn", đại biểu Võ Mạnh Sơn cho hay.

Đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 5 điều 35 theo hướng: Tiền thu được sau khi trừ đi các khoản chi cho quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước nộp vào ngân sách Nhà nước được nộp tài chính của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với doanh nghiệp theo quy định.

https://laodong.vn/thoi-su/dieu-chinh-luat-phu-hop-voi-thuc-tien-doanh-nghiep-thuoc-to-chuc-cong-doan-1506104.ldo

Tô Thế  (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: