Giải mã tốc độ tăng trưởng kinh tế bứt phá của Yên Bái
Trong quý I/2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái đạt 107,1% so với kịch bản tăng trưởng 8,2% và đạt 100,89% so với kịch bản tăng trưởng hai con số 10,5%.
Trung tâm Thành phố Yên Bái. Ảnh: Yenbai.gov.vn
Ngày 2.4, Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái cho biết, UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ quý II và 9 tháng cuối năm 2025.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt được cao hơn so với kịch bản 3 tháng và cùng kỳ, trong đó 12/16 khoản thu tăng cao so với cùng kỳ và kịch bản, tạo tiền đề hoàn thành kịch bản thu ngân sách tháng 3 và quý II/2025.
Trong quý I/2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái đạt 107,1% so với kịch bản tăng trưởng 8,2% và đạt 100,89% so với kịch bản tăng trưởng hai con số 10,5%.
Với tốc độ tăng trưởng bứt phá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Yên Bái đứng thứ 5/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đóng góp vào mức tăng trưởng bứt phá này có thể kể đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3.2025 ước tính tăng 20,83% so với tháng trước, tăng 17,84% so với cùng kỳ. Dự ước chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm 2025 tăng 11,89% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm chính cũng đạt và vượt so với mục tiêu kịch bản tăng trưởng quý I/2025, như: Khai thác đá xây dựng, dự ước đạt 250.000m3, tăng 28,2% so với kịch bản; xi măng ước đạt 470.000 tấn, tăng 4,4% so với kịch bản; điện sản xuất ước đạt 290 triệu kWh, bằng 100% so với kịch bản...
Tỉnh cũng tăng cường phối hợp và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện 110kV và 220kV để sớm đưa vào khai thác vận hành, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của các khu công nghiệp và dân cư.
Về hạ tầng công nghiệp, tỉnh đang tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong khu công nghiệp Trấn Yên và các cụm công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Yên Hợp.
Đặc biệt, tỉnh đang tiến hành các thủ tục thành lập mới cụm công nghiệp An Thịnh và Bảo Hưng 2, huyện Trấn Yên, nhằm mở rộng không gian phát triển công nghiệp và thu hút thêm các nhà đầu tư tiềm năng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.450 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhằm phổ biến, chuyển đổi nhận thức về kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Tỉnh đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp triển khai ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động kinh doanh, marketing theo chương trình thí điểm triển khai mô hình "Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, hỗ trợ cùng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số theo phương châm "hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển, hướng tới doanh nghiệp số”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh (giữa) kiểm tra, khảo sát thực địa tại các quỹ đất trên địa bàn TP Yên Bái hôm 26.2. Ảnh: Yenbai.gov.vn
Tại hội nghị ngày 1.4, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Tuấn Anh đề nghị các ngành, địa phương cần tập trung rà soát lại các chỉ tiêu thu ngân sách, đề ra giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác thu ngân sách trên địa bàn. Khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy sau sắp xếp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh mời gọi, thu hút đầu tư; tăng cường đối thoại, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị để chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính, thuế, môi trường đầu tư kinh doanh, đất đai, giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn, tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu rà soát toàn bộ nguồn thu trên địa bàn, tập trung vào công tác kiểm tra và khai thác nguồn thu từ các loại thuế, phí, lệ phí.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Trí Hà cho biết, để đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi số, sở đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng các giải pháp công nghệ số.
Qua đó, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số, để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các công nghệ mới, chủ động đầu tư cải tiến công nghệ và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới.
https://laodong.vn/thoi-su/giai-ma-toc-do-tang-truong-kinh-te-but-pha-cua-yen-bai-1485655.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)