Thời sự
Cập nhật lúc 03:08 13/02/2025 (GMT+7)
Giáo viên ở Hà Nội lúng túng đăng ký dạy thêm trước "giờ G"

Nhiều thầy cô ở Hà Nội đã dừng hoạt động dạy thêm để chờ hướng dẫn chính thức từ các cấp, nhưng vẫn có nhiều thắc mắc liên quan đến quy định này.

Giáo viên ở Hà Nội lúng túng đăng ký dạy thêm trước "giờ G"
Thông tư 29 cho phép giáo viên dạy thêm nhưng không thu học phí, giúp hỗ trợ học sinh yếu kém hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài giờ lên lớp. Ảnh: Hải Nguyễn

Chưa có hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh cá thể trong việc dạy thêm

Những ngày qua, dư luận "dồn" sự chú ý vào những quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư có hiệu lực từ ngày 14.2.2025).

Một số điểm mới của Thông tư 29: Cấm dạy thêm học sinh bậc tiểu học; dạy thêm được tổ chức tại trường, chỉ dành cho 3 đối tượng học sinh: không đạt yêu cầu học tập ở học kỳ liền kề, học sinh giỏi thuộc diện cần bồi dưỡng (để thi giải), học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký; cấm giáo viên thu tiền học thêm với học sinh chính khóa của mình; đối với dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên phải đăng ký kinh doanh hộ cá thể - nếu dạy tại nhà; hoặc giáo viên phải đăng ký dạy thêm tại trung tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh bộ không cấm dạy thêm, học thêm, Thông tư 29 chỉ chấn chỉnh những vi phạm liên quan đến tổ chức dạy và học bên cạnh chương trình chính khóa; không gọi là "dạy thêm, học thêm" mà là "bổ trợ kiến thức".

Trao đổi với Lao Động, thầy Tùng - giáo viên dạy môn Vật lý một trường THPT tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, sau thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã quán triệt, triển khai Thông tư 29 về việc dạy thêm, học thêm. Đa số các thầy cô đã dừng hoạt động dạy thêm để chờ hướng dẫn chính thức từ các cấp.

Theo thầy Tùng, Thông tư 29 là giải pháp chấm dứt những biến tướng, tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm. Từ đó, học sinh không còn bị áp lực vì thầy cô ép học thêm, phụ huynh cũng không còn bức xúc về chi phí, đồng thời giúp giữ gìn hình ảnh đáng kính của nhà giáo.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu Thông tư 29, thầy Tùng thắc mắc, giáo viên muốn dạy thêm thì phải đăng ký kinh doanh hộ cá thể, nộp thuế đầy đủ. Thầy Tùng nói "đây là điều đúng đắn và phù hợp". Nhưng thủ tục đăng ký như thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể từ Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo.

“Đến thời điểm hiện tại, chưa có hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực giáo dục dạy học mà giáo viên phải tự mày mò, tìm hiểu tư vấn luật sư”, thầy Tùng cho hay.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Theo thầy Tùng, qua tự tìm hiểu, được biết, muốn đăng ký hộ kinh doanh cá thể cần chuẩn bị giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; căn cước công dân, hợp đồng thuê, mượn địa điểm để kinh doanh…

Khi có đầy đủ giấy tờ này có thể nộp trực tiếp đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh; hoặc nộp online trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Một điều nữa khiến thầy Tùng thắc mắc đó là liệu giáo viên có được tổ chức dạy thêm theo hình thức online (trực tuyến) hay không? Vì theo quy định của Thông tư 29 không nhắc đến hình thức dạy online. Nhiều đồng nghiệp của tôi dừng dạy thêm tại nhà nhưng đã chuyển qua dạy kèm cho học sinh trực tuyến từ sau Tết và có thu học phí".

Sở GDĐT phải chỉ đạo sát hơn

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Hà Nội) cho rằng, phải quan niệm Thông tư 29 là phép thử để buộc các trường phải thay đổi. Thông tư 29 đã đưa ra những chủ trương khoa học, nhân văn, nhằm giải quyết những hiện tượng tiêu cực của “căn bệnh” dạy thêm, học thêm vốn tồn tại kinh niên.

Hiện nay, chúng ta đang nặng học vì bằng cấp, bảng điểm, học để chọn trường lớp, phục vụ những mục tiêu trước mắt. Điều này biến cuộc chiến với dạy thêm, học thêm không có hồi kết vì đây là nhu cầu thực tế. Hơn nữa, tình trạng thiếu trường lớp, chất lượng trường lớp không đồng đều tạo ra tình trạng chạy đua để vào được trường tốt hơn.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các Sở GDĐT phải chỉ đạo sát hơn, yêu cầu giáo viên phải giúp đỡ học sinh biết cách tự học chứ không phải lấy thời gian học thêm làm chính. Các trường có thể hướng dẫn học sinh dạy nhau, học sinh giỏi biết cách tự học rồi thì hướng dẫn cho những bạn yếu hơn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng vừa có văn bản yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Thông tư số 29/2024.

Sở cũng yêu cầu địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy học thêm theo đúng quy định.

"Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, phải thông tin kịp thời về Sở Giáo dục và Đào tạo thông qua phòng Giáo dục trung học" - văn bản của Sở nêu.

https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-o-ha-noi-lung-tung-dang-ky-day-them-truoc-gio-g-1462490.ldo

ANH TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: