Thời sự
Cập nhật lúc 08:32 04/07/2025 (GMT+7)
Kết quả hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sau 3 ngày

Bộ trưởng Trần Văn Sơn và Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã thông tin về kết quả hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sau 3 ngày vận hành chính thức.

Kết quả hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sau 3 ngày
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin kết quả hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Hải Nguyễn

Chiều 3.7 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6.2025.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, theo thẩm quyền, Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định về tăng cường phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, cũng như giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp xã. Các bộ, ngành cũng đã ban hành 58 Thông tư hướng dẫn chi tiết.

"Các nghị định này đã quy định đầy đủ các thủ tục hành chính (TTHC) đi kèm. Trong đó làm rõ thẩm quyền, thành phần hồ sơ, thời gian, chi phí, các biểu mẫu hành chính để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và thực thi ngay kể từ ngày 1.7" - bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Sau khi sắp xếp, tổng số TTHC của cấp tỉnh là 1.261, cấp xã là 463 và đã bãi bỏ tổng cộng 74 TTHC, góp phần tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục cho người dân.

Để đảm bảo việc chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, Thứ trưởng cho biết các bộ, ngành đã và đang tiến hành công bố công khai các TTHC thuộc thẩm quyền của mình. Thông tin được đăng tải trên các cổng thông tin điện tử để chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã xây dựng và gửi cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã đến tất cả các địa phương. Nội dung cẩm nang được thiết kế rất thiết thực, thực tiễn, rõ ràng, cụ thể hóa chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và cả cách xử lý các tình huống phát sinh tại cơ sở.

Về phía các địa phương, ban thường vụ các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch để tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền 2 cấp.

Các địa phương đã tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thông qua các hệ thống.

Về cơ bản, các TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành sớm, quy định rõ, cụ thể và được vận hành ngay, cơ bản thông suốt khi chính thức đi vào hoạt động từ 1.7.

Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quá trình giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để giảm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ công và đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà. Ảnh: Hải Nguyễn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà. Ảnh: Hải Nguyễn

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, việc giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và cấp xã đã hoạt động thông suốt, liên tục.

Ngoài việc giải quyết hồ sơ trực tuyến ra thì vẫn còn trực tiếp. Người dân và doanh nghiệp đến nộp hồ sơ cũng đã được tiếp nhận, trong đó có hồ sơ được giải quyết trực tuyến và có hồ sơ giải quyết trực tiếp.

Riêng ngày 1.7 hồ sơ trực tuyến chiếm 57%, và hồ sơ trực tiếp chiếm khoảng 43% với số lượng rất nhiều. Ngày 2.7 số lượng xấp xỉ 38.000 hồ sơ, trong đó trực tuyến chiếm 59,7% và trực tiếp là chiếm 40,3%.

Cập nhật đến 16h chiều 3.7 có trên 40.000 hồ sơ, trong đó trực tuyến là 59,3%, trực tiếp là 40,7%.

Mục tiêu hết năm nay TTHC liên quan đến các doanh nghiệp thì được giải quyết trực tuyến, không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Về Cổng Dịch vụ công Quốc gia chỉ có một địa chỉ duy nhất. Người dân chỉ cần thông qua máy tính, điện thoại di động kết nối internet là có thể nộp hồ sơ trực tuyến.

Thông qua Cổng Dịch vụ công này, những phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp đều được tổng hợp và giải quyết.

https://laodong.vn/thoi-su/ket-qua-hoat-dong-cua-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-sau-3-ngay-1534440.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: