Ký ức người lính đặc công trong ngày lịch sử 30.4
50 năm trôi qua, kể từ khoảnh khắc đứng gác trước cửa phòng họp cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, ký ức về thời khắc lịch sử 30.4.1975 vẫn in đậm trong tâm trí người lính đặc công Phạm Huy Nghệ - một người anh hùng thầm lặng, cả trong chiến tranh và đời thường.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Huy Nghệ (người đứng giữa). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trưa 30.4.1975 - thời khắc chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước - là kỷ niệm không thể quên với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Huy Nghệ - nguyên chiến đấu viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn Đặc công 116 miền Đông Nam Bộ.
Ông Phạm Huy Nghệ sinh năm 1954 tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, hiện sinh sống tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Năm 16 tuổi, ông xung phong nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc công. Sau khóa huấn luyện ở Suối Hai (Ba Vì), đầu năm 1971, ông cùng đồng đội hành quân hơn 4 tháng vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng Đại đội trưởng Phạm Duy Đô tiến công vào Dinh Độc Lập.
“Khoảng hơn 10 giờ ngày 30.4, chúng tôi chia nhau lùng sục các tầng hầm, bắt toàn bộ lính ẩn nấp tập trung ra sân. Sau đó, tổ chiến đấu thực hiện nhiệm vụ bắt giữ Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các, bàn giao cho đoàn cán bộ vào tiếp quản” - ông Nghệ nhớ lại với ánh mắt lặng sâu.
Ông nói thêm, ông được Đại đội trưởng Phạm Duy Đô giao nhiệm vụ đứng gác, nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai chống cự thì bắn. Bên trong là Tổng thống Dương Văn Minh và nội các Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Vài phút sau, Đại đội trưởng dẫn đoàn cán bộ ta vào, chính thức kết thúc chiến tranh. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, nhưng khoảnh khắc ấy - đứng gác trước giờ phút lịch sử - là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông, dù chỉ diễn ra trong vài phút.
Sau Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Phạm Huy Nghệ ra Bắc lập gia đình. Năm 1977, ông đưa vợ con vào phát triển kinh tế mới tại tỉnh Đắk-Lắk. Sau đó, ông tái ngũ và được cấp trên điều động về làm Chính trị viên đại đội Quân báo - Trinh sát 32, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình. Tiếp đó ông được điều động đến nhận công tác tại Quân khu 3. Đến năm 1987, ông Phạm Huy Nghệ được điều chuyển công tác vào Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk-Lắk, giữ cương vị Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Ana, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2003.
Về nghỉ hưu, cựu chiến binh Phạm Huy Nghệ được cấp ủy Đảng, đảng viên tín nhiệm, yêu mến bầu giữ cương vị Bí thư Chi bộ thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk-Lắk) từ năm 2005. Nhờ sự gần dân, hiểu dân của Bí thư Chi bộ Phạm Huy Nghệ, Chi bộ thôn Quỳnh Ngọc liên tục đạt nhiều danh hiệu và là một trong những thôn đứng đầu xã Ea Na về mọi mặt.
https://laodong.vn/xa-hoi/ky-uc-nguoi-linh-dac-cong-trong-ngay-lich-su-304-1497843.ldo
TRUNG DU - CÔNG LIÊM (BÁO LAO ĐỘNG)