Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
TPHCM - Sáng 30.4, tại TPHCM diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
8h58: Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) diễn ra thành công tốt đẹp.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - phát biểu: “Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025) đến đây đã thành công rất tốt đẹp. Ban Tổ chức xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quốc tế, đồng bào, đồng chí đã tham dự buổi lễ”.
Các khối diễu binh qua lễ đài. Trong ảnh: Khối nữ dân quân miền Bắc đang tiến qua lễ đài.


Các khối diễu hành qua lễ đài. Trong ảnh: Khối công nhân Việt Nam diễu hành qua lễ đài.
8h52: Khối văn nghệ sĩ, nghệ nhân, biên tập viên, phóng viên, huấn luyện viên, vận động viên, đại diện cho những người làm văn hóa, nghệ thuật, thể thao, truyền thông đi qua Lễ đài.
Đoàn quân đi trong lòng dân tại khu vực bến Bạch Đằng.
8h51: Các khối diễu hành tiến qua Lễ đài
Tiến vào lễ đài sau đó là các Khối Nông dân Việt Nam, Khối trí thức Việt Nam, Khối doanh nhân Việt Nam; Khối đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; Khối thiếu nhi và thanh niên Việt Nam.
8h46: Khối công nhân Việt Nam - Giai cấp tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội
Trải qua hơn 1 thế kỷ trưởng thành và phát triển, giai cấp công nhân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và phát triển đất nước. Từ những nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng, từ nông trường tới khu công nghệ cao, lực lượng công nhân không ngừng lớn mạnh, đổi mới, sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ.
Dưới ngọn cờ của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khối Công nhân Việt Nam. Nguồn: VTV
8h45: Khối Cựu chiến binh Việt Nam đi qua Lễ đài
Là những nhân chứng lịch sử, những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, chiến đấu anh dũng, kiên cường với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cựu chiến binh Việt Nam đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Khối Cựu chiến binh Việt Nam. Nguồn: VTV
8h44: Khối cựu thanh niên xung phong giải phóng
Với tinh thần sông nước là chiến trường, cầu phà là vũ khí, thanh niên xung phong là chiến sĩ. Thanh niên xung phong là lực lượng tải đạn, vận chuyển lương thực, thông đường chăm sóc thương binh trong kháng chiến…
8h42: Khối mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến vào Lễ đài
Trong các cuộc kháng chiến, mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã nêu cao vai trò đoàn kết các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nối truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, lấy mục tiêu xây dựng và phát triển của đất nước làm động lực và sự tương đồng để tập hợp các tầng lớp nhân dân thông qua các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước; thực hiện vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho nhân dân.
Các khối diễu binh, diễu hành đi qua tuyến đường Lê Lợi (TPHCM)
8h38: Khối hồng kỳ tiến vào lễ đài
Những lá cờ tươi thắm, rực rỡ, thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam. Dưới lá cờ vinh quang, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết chặt chẽ, anh dũng chiến đấu và giành thắng lợi to lớn trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; bảo vệ Tổ quốc mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối.
Ngày nay, phát huy hào khí anh hùng và truyền thống lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển, đúng như Di nguyện của Bác Hồ kính yêu: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
8h34: Khối nam sĩ quan Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
Được thành lập nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ hoạt động của cán bộ chiến sĩ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Các sĩ quan Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã vượt qua khó khăn, phát huy phẩm chất năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
8h33: Các Khối Nam sĩ quan công an TP Hồ Chí Minh, Khối nam sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Khối nam sĩ quan cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Khối nam chiến sĩ cảnh sát cơ động, Khối nữ chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm tiến vào lễ đài
8h32: Tiến vào lễ đài là Khối nam sĩ quan không quân công an nhân dân
Khối nam sĩ quan không quân công an nhân dân ra đời nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ…
Là đơn vị mới được thành lập, cán bộ, chiến sĩ không quân công an nhân dân đang ngày đêm ra sức rèn luyện để vượt qua gian nan khắc nghiệt, trưởng thành vững mạnh hơn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động nhanh, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
8h31: Khối nam sĩ quan an ninh nhân dân, Khối nam cảnh sát nhân dân tiến vào Lễ đài.
8h30: Xe chỉ huy và xe tổ công an kỳ toàn lực lượng tiến vào Lễ đài, dẫn đầu là xe chỉ huy của Thiếu tướng Lê Văn Hà - Phó Tư lệnh cảnh sát cơ động
Sau đó, Khối nam sĩ quan an ninh nhân dân tiến vào lễ đài. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, lực lượng an ninh nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, huy động sức mạnh của nhân dân, đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động tình báo, gián điệp, phản động, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia.
8h29: Khối Nữ dân quân miền Bắc
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn Dân quân miền Bắc đã tích cực tham gia phong trào “Ba đảm đang”, “chắc tay súng, vững tay cày”, hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, tích cực huấn luyện quân sự, bảo vệ quê hương, động viên chồng con lên đường chiến đấu; đây là những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, các nữ Dân quân miền Bắc đang ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, quê hương giàu đẹp, gia đình hạnh phúc.
8h26: Khối đoàn nghi lễ danh dự quân giải phóng nhân dân Trung Quốc
Đoàn nghi lễ danh dự quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được thành lập năm 1952, có nhiệm vụ chính là phục vụ nghi lễ cho Đảng, Nhà nước và quân đội.
Trải qua 73 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phục vụ nghi lễ hơn 13.000 lần, thể hiện hình ảnh tốt đẹp của nhà nước và quân đội Trung Quốc.
Quân đội 2 nước Trung Quốc và Việt Nam đã chung tay viết nên trang sử hào hùng, giành độc lập dân tộc và giải phóng của mỗi nước, tô thắm màu nền đỏ tươi cho mối tình thắm thiết vừa là đồng chí, vừa là anh em của 2 bên.
Tiến vào lễ đài là “Khối Quân đội nhân dân Lào”.
Quân đội nhân dân Lào được thành lập vào ngày 20.01.1949 là lực lượng vũ trang chủ lực, mũi nhọn của cách mạng dân tộc Lào.
Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước, quân đội nhân dân Lào luôn kề vai, sát cánh, gắn bó mật thiết với Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng liên minh chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc của mỗi nước.
Hiện nay, quân đội nhân dân Lào được xây dựng phát triển toàn diện về mọi mặt, mối quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, hai quân đội Việt Nam - Lào ngày càng được cũng cố, tăng cường, cùng nhau giữ gìn bảo vệ thành quả cách mạng an ninh, an toàn. Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện vì sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và khu vực.
Tiến vào lễ đài là “Khối quân đội Hoàng gia Campuchia”
Quân đội Hoàng gia Campuchia được thành lập vào tháng 9.11.1953 gồm các lực lượng lục quân, hải quân, không quân, chiến binh và nhiều lực lượng chuyên ngành có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình tại Campuchia.
Với quan hệ truyền thống hữu nghị, đoàn kết lâu đời giữa hai nước quân đội Hoàng gia Campuchia và quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh bên nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chiến đấu chống lại kẻ thù chung giành độc lập tự do cho mỗi nước.
8h24: Khối chiến sĩ đặc công tiến vào Lễ đài
Với mười sáu chữ vàng truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, mưu trí tạo báo, đánh hiểm thắng lớn”, Bộ đội Đặc công đã làm cho quân thù kinh hồn, bạt vía, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiện nay, Bộ đội Đặc công ra sức rèn luyện, nâng cao trình độ, chiến thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng bộ đội Đặc công “Cách mạng, chính quy, đặc biệt tinh nhuệ, hiện đại” xứng danh “Đơn vị hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
8h22: Khối nữ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Lễ đài
Hành trình hơn 10 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, với hơn 1.000 chiến sĩ mũ nồi xanh lên đường thực hiện sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó.
Thấm nhuần và kiên định đường lối đối ngoại của Đảng, các lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam luôn thấm nhuần đường lối “ngoại giao cây tre”; thể hiện Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; làm lan tỏa phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.
8h20: Khối nữ sĩ quan Quân y tiến vào Lễ đài.
Cùng với đội ngũ thầy thuốc Quân y, các nữ sĩ quan Quân y luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cấp cứu, điều trị thương, bệnh binh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, góp phần vào thắng lợi của Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Ngày nay, đội ngũ Bác sỹ quân y luôn tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ, phấn đấu, rèn luyện theo phương châm: “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”, xứng đáng với lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”.
Sau đó là “Khối chiến sĩ tác chiến điện tử”. Khối lực lượng tác chiến không gian mạng cũng đang tiến vào lễ đài.
Khối Sĩ quan Lục quân tiến qua Lễ đài, cùng với đó, tiêm kích thả bẫy nhiệt trên bầu trời TPHCM. Nguồn: VTV
8h15: Khối sĩ quan Lục quân tiến vào Lễ đài, Tiêm kích thả bẫy nhiệt trên bầu trời trung tâm TPHCM
Tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt trên bầu trời TP HCM.
8h14: Tiến vào lễ đài là “Khối nữ quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam”
Cùng với những âm thanh hùng tráng ngân vang đang tiến vào lễ đài. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, những âm thanh rộn rã, hào hùng của các chiến sĩ quân nhạc như tiếng kèn xung trận, tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc quân và dân ta anh dũng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Ngày nay, những âm thanh hùng tráng đầy tự hào ấy lại tiếp tục ngân vang trong lễ đón các nguyên thủ quốc gia; sang thăm và làm việc tại Việt Nam; Đồng thời cổ vũ toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm chung sức, đồng lòng tiến vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Tiếp đó là các Khối sĩ quan đại diện năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; Khối chiến sĩ Giải phóng quân; Khối sĩ quan lục quân Quân đội nhân dân Việt Nam.
8h14: Khối sĩ quan đại diện năm cánh quân tiến vào lễ đài.
Cách đây 50 năm, trong những ngày tháng 4 lịch sử, 5 năm cánh quân cùng với các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị quần chúng đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Hướng Bắc là quân đoàn 1, hướng Đông Nam là quân đoàn 2, hướng Tây Bắc là quân đoàn 3, hướng Đông là quân đoàn 4, hướng Tây Nam là đoàn 232. Thực hiện mệnh lệnh Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.
8h12: Khối quân kỳ tiến vào Lễ đài
Khối quân kỳ do Trung trướng Nguyễn Quang Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ huy, dẫn đầu các khối đại diện cho quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ tiến vào lễ đài.
8h11: Tiến vào lễ đài là “Xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người cha kính yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, người đã mở đường chỉ lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong đó có đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bác đã đi xa nhưng tâm thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người mãi mãi tỏa sáng, soi đường cho dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
8h11: Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc tiến vào Lễ đài
Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Nguồn VTV
Những lá cờ tung bay trước gió tượng trưng cho lý tưởng, niềm tin chiến thắng, bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được khơi nguồn, bồi đắp từ lịch sử, bừng cháy cho hôm nay và tỏa sáng đến mai sau. Đó là cội nguồn, là sức mạnh để toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc tiến vào lễ đài.
8h10: Tiến vào lễ đài là xe mô hình biểu tượng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
8h8: Đội hình SU30 EMK2 - đây loại máy bay tiêm kích đa năng siêu âm, thế hệ mới, hiện đại, có nhiều ưu điểm vượt trội.
8h05: Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - điều hành diễu binh, diễu hành. Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa hô vang to: "Nghiêm, Cuộc diễu binh, diễu hành bắt đầu".
Mở đầu cuộc diễu binh, diễu hành là các biên đội không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Dẫn đầu là đội hình MI8T, MI17, MI171, đây là các loại máy bay trực thăng được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, vận chuyển quận sự, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và huấn luyện.
Đội hình diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm nhằm tái hiện khí thế hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi hoàn toàn vào trưa ngày 30.4.1975.
Thể hiện khí phách, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sự lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng, cổ vũ động viên toàn đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững bản chất cách mạng, phát huy truyền thống dân tộc anh hùng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới, sáng tạo; thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
7h55: Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
7h50: Nghi thức Phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
7h40: Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn TP. HCM, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM Huỳnh Mạnh Phương – đại diện thế hệ trẻ - phát biểu.
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu, Huỳnh Mạnh Phương nhấn mạnh: Tuổi trẻ chúng cháu vinh dự, tự hào vì đã góp sức mình vào những thành tựu to lớn của đất nước.
“Chúng cháu nhận thức sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh thiêng liêng phải tiếp nối ngọn lửa cách mạng mà các thế hệ cha ông đã trao truyền. Khắc ghi chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, biến lý tưởng thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên…” - Huỳnh Mạnh Phương phát biểu.
Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn TP. HCM, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM Huỳnh Mạnh Phương – đại diện thế hệ trẻ - phát biểu.
7h35: Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, đại diện lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử phát biểu
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ, nhớ những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng khó khăn, thiếu thốn, bộ đội ta thiếu ăn, ốm đau bệnh tật, đặc biệt là sốt rét, suy dinh dưỡng, chiến đấu ác liệt, song cán bộ chiến sĩ ta cùng quân dân các địa phương đã kiên cường vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù, đập tan âm mưu xâm lược và đô hộ lâu dài nước ta của chủ nghĩa thực dân mới, đập tan bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến thắng 30.4.1975 đến nay vừa tròn 50 năm, nhưng những ký ức một thời đánh Mỹ vẫn luôn rạo rực, mãi không bao giờ phai nhạt trong trái tim người dân nước Việt Nam mỗi khi nhắc đến chiến thắng vĩ đại này.
7h10: Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong không khí hào hùng của ngày 30 tháng 4 lịch sử, tại thành phố anh hùng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, với niềm phấn khởi và tự hào lớn lao, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Việt Nam, thống nhất đất nước.
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với khát vọng cháy bỏng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đánh dấu sự kết thúc oanh liệt của cuộc chiến đấu kiên cường 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất tổ quốc, chấm dứt ách thống trị hơn nửa thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta mãi khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các vị lãnh đạo tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các cựu chiến binh cùng toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như người Việt Nam của nước ngoài đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) có:
Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang;
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng;
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng;
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến;
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên;
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Cùng dự có các vị khách quốc tế.
7h: Lễ chào cờ bắt đầu
Bắt đầu chương trình trực tiếp Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị quan khách quốc tế tại buổi lễ.
Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi lễ.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đứng dậy làm lễ chào cờ.
Hình ảnh loạt đại bác tại bến Bạch Đằng (Quận 1) khai hỏa trong buổi lễ 30.4 khiến người dân trầm trồ, xúc động. Ảnh: Anh Tú
Cùng thời điểm, 21 loạt đại bác được bắn ở Bến Bạch Đằng
Người dân tập trung hai bên đường Lê Lợi theo dõi chương trình Đại lễ 30.4. Ảnh: Chân Phúc.
6h48: Ca khúc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” sáng tác Xuân Hồng, biểu diễn Phương Mỹ Chi, Bùi Xuân Trường và tập thể nghệ sĩ
“Mùa xuân này về trên quê ta,
Khắp đất trời biển rộng bao la,
Cây xanh tươi ra lá trổ hoa,
Chào mùa xuân về với mọi nhà.
Thành phố Hồ Chí Minh quê ta,
Đã viết nên thiên anh hùng ca,
Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói,
Lưu danh đến muôn đời…”
Những ca từ vang lên trong niềm tự hào của hàng triệu trái tim người Việt Nam.
6h35: Màn xếp hình nghệ thuật với chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” do các chiến sĩ QĐND biểu diễn bắt đầu
Khi ca sĩ cất vang bài hát “Đất nước trọn niềm vui”, hàng triệu khán giả, người dân theo dõi reo hò, vẫy cờ hoa cổ vũ.
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay
Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây
Sài Gòn ơi vững tin đã bao năm rồi
Một ngày vui giải phóng…”
Người dân reo hò theo những giai điệu hào hùng của bài hát.
6h25: Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bắt đầu
Chương trình nghệ thuật chào mừng chính thức bắt đầu với màn trống hội hoành tráng mang tên “Bản hùng ca toàn thắng”, do 1.000 diễn viên là học viên thuộc Đoàn Nghệ thuật trống hội Học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an biểu diễn.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt tại buổi lễ.
6h10: Vang những bài hát về tình yêu quê hương đất nước
Người dân tập trung rất đông ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng, bến Bạch Đằng khiến khu vực này gần như không có khoảng trống. Dọc nhiều tuyến đường, người dân đứng chật kín, vẫy tay nồng nhiệt chào các chiến sĩ.
Tại sân khấu chính, các khối đứng vào vị trí. Đội nghi lễ quân đội đang tập luyện lần cuối để chuẩn bị cho buổi diễu binh, diễu hành.
Dòng người đông đúc cùng reo hò những bài hát về tình yêu quê hương đất nước.
Người dân hò reo, ca hát, vẫy cờ.
Diễn biến dự kiến buổi lễ
Từ 6h25-6h55:
- Biểu diễn trống hội.
- Biểu diễn múa súng kết hợp quân nhạc.
- Biểu diễn các tiết mục nghệ thuật.
Từ 6h55-7h:
- Tiêu binh vào vị trí, các lực lượng vào vị trí.
- Khối Quân nhạc đứng cử nhạc theo kịch bản chương trình lễ.
Từ 7h:
- Lễ chào cờ.
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Diễn văn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
- Phát biểu đại diện chiến sĩ.
- Phát biểu đại diện thế hệ trẻ.
- Chương trình diễu binh, diễu hành
6h10: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt tại buổi lễ
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên có mặt tại buổi lễ. Các khối diễu binh đã chuẩn bị vào vị trí.
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã có mặt tại lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
6h00: Thời tiết thuận lợi cho Đại lễ 30.4
Ghi nhận thực tế của PV Lao Động, thời tiết TPHCM mát mẻ, bắt đầu có nắng ửng hồng. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 27 độ C. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo thời tiết ở TP HCM, từ 0h đến 7h ngày 30.4 khả năng không mưa với nhiệt độ khoảng 27 - 28 độ C. Từ 7h đến 13h trời nắng với nhiệt độ khoảng 29 - 34 độ C. Từ 13h - 19h, nhiệt độ cũng ở mức cao, khoảng 30 - 35 độ C. Từ 19h30 ngày 30.4 đến ngày 1.5, nhiệt độ khoảng 27 - 28 độ C.
5h50: Các khối diễu binh vào vị trí, chỉnh đốn trang phục, sẵn sàng cho đại lễ
Các khối đứng đã vào vị trí, sẵn sàng cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Các chiến sỹ của khối quân đội thực hiện chỉnh trang hàng ngũ, tác phong, quân phục trước lễ chính.
Các khối diễu binh, diễu hành đã vào vị trí và tập luyện để sẵn sàng cho lễ chính thức. Trước lễ trao cờ, lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành sẽ có phần biểu diễn múa súng kết hợp quân nhạc.

Đông đảo khách quốc tế đã có mặt trên khán đài.
5h40: Những bài ca về tình yêu quê hương đất nước được cất vang
Tại đường Lê Lợi, sau một đêm thức trắng, người dân chào ngày mới bằng những bài đồng ca.
Hơn 5h30, dòng người trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tiếp tục tìm cho mình vị trí xem diễu binh, diễu hành tốt nhất. Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được phủ kín bởi dòng người, cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Tại khu vực phía trước chợ Bến Thành, hàng nghìn người dân cùng nhau reo hò, chờ đợi đến giờ diễu binh, diễu hành.
Ảnh: Tạ Quang
5h35: Trời sáng, người dân dần ổn định vị trí chỗ ngồi tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi.
Ảnh: Chân Phúc
5h30: Các học viên Học viện Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an đã di chuyển trống vào khu vực tổ chức lễ, chuẩn bị cho màn trình diễn trống hội hoành tráng mang tên “Bản hùng ca toàn thắng”, với sự tham gia của 1.000 người biểu diễn.
Ảnh: Minh Quân
5h25: Khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi phần lớn người dân đã ổn định chỗ ngồi, cả khu vực đông nghịt người, gần như không còn chỗ trống. Lực lượng chức năng hạn chế người dân di chuyển vào phần đường các khối diễu binh, diễu hành đi qua.
Ảnh: Chân Phúc
5h20: Khu vực khán đài thắt chặt an ninh nghiêm ngặt
Theo ghi nhận của PV Lao Động, tình hình an ninh được thắt chặt tối đa tại khu vực ra vào sân khấu Lễ đài. Mọi khán giả và khách mời đều phải đi qua cổng từ để kiểm tra kim loại, đồng thời hành lý, túi xách cũng được soi chiếu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo không có vật cấm hoặc vật nguy hiểm được mang vào. Khu vực đường Lê Lợi đã được dựng rào, thắt chặt an ninh phục vụ lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành. Người dân được yêu cầu ngồi đúng vị trí để buổi lễ được diễn ra thuận lợi.
Ảnh: Chân Phúc
5h15: Nhiều khu vực trên khán đài đã rộn ràng với sự hiện diện của đông đảo đại biểu, phủ kín từng dãy ghế đầu tiên.
Chương trình Lễ kỷ niệm cấp quốc gia được tổ chức vào lúc 6h30 ngày 30.4 tại tuyến đường Lê Duẩn (Quận 1) và một số tuyến đường trung tâm TPHCM.
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TPHCM phối hợp tổ chức.
Chương trình gồm phần nghi lễ chào cờ, diễn văn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu của đại diện cựu chiến binh và thế hệ trẻ, cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Các lực lượng vũ trang tổng duyệt diễu binh trên đường Lê Duẩn chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Thanh Vũ
Điểm nhấn của lễ kỷ niệm là màn diễu binh, diễu hành hoành tráng với sự tham gia của hơn 13.000 người, gồm 23 khối lực lượng quân đội, 3 khối dân quân tự vệ, 12 khối công an, 12 khối quần chúng nhân dân và 3 khối quân đội đến từ Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Sau khi đi qua lễ đài đến vị trí tách đội hình (cổng Hội trường Thống Nhất), các khối diễu hành theo 4 tuyến đường:
Tuyến số 1: Rẽ trái đi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi – Nguyễn Huệ – Công viên Bến Bạch Đằng.
Tuyến số 2: Rẽ trái đi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi – Lê Lai – Cách Mạng Tháng Tám – Công viên Tao Đàn.
Tuyến số 3: Rẽ phải đi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Đình Chiểu – Đinh Tiên Hoàng – Sân vận động Hoa Lư.
Tuyến số 4: Rẽ phải đi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ – Hai Bà Trưng – Công viên Lê Văn Tám.
Người dân xem dàn đại bác tại Công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1) chiều 29.4. Ảnh: Tạ Quang
Cùng lúc với các khối diễu binh, diễu hành, trên bầu trời, trực thăng bay lượn kéo theo cờ Tổ quốc, cờ Đảng.
Các biên đội tiêm kích cũng nối đuôi theo sau, và tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt trên bầu trời TPHCM.
Tại khu vực Bến Bạch Đằng, có màn bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Để đảm bảo trật tự, an toàn trong thời gian diễn ra buổi lễ, xe và người không có nhiệm vụ bị cấm vào hơn 20 đường tại Quận 1 từ 3h đến 12h ngày 30.4.
Khu vực hạn chế, gồm: cầu Ba Son (hướng TP Thủ Đức sang quận 1), đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (từ Nguyễn Đình Chiểu tới Nguyễn Hữu Cảnh); Đinh Tiên Hoàng (từ Nguyễn Đình Chiểu đến Lê Duẩn); Tôn Đức Thắng (từ Lê Duẩn đến điểm quay đầu trước số 37 Tôn Đức Thắng); Mạc Đĩnh Chi (từ Trần Cao Vân đến Nguyễn Du); Phạm Ngọc Thạch (từ vòng xoay Hồ Con Rùa đến nhà thờ Đức Bà); Hai Bà Trưng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định (từ Võ Văn Tần đến Lý Tự Trọng); Nguyễn Du (từ Tôn Đức Thắng đến Cách mạng Tháng 8); Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến giáp Cách Mạng Tháng 8).
Khu vực màu vàng hạn chế và cấm xe đi vào lúc diễu binh. Ảnh: CSGT TPHCM
Khu vực cấm xe và người không làm nhiệm vụ còn trong vòng giới hạn của các tuyến nêu trên, gồm: đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chiêm, Lê Quý Đôn, Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Alexandre De Rhodes, Công xã Paris, Đặng Trần Côn, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đồng Khởi...
https://laodong.vn/thoi-su/le-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-1499410.ldo
NHÓM PV (báo lao động)