Chiều 4.1, UBND TPHCM tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo quy hoạch, đến năm 2030, TPHCM sẽ tập trung phát triển mô hình đô thị - nông thôn theo hướng "làng trong phố, phố trong làng," nhằm kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa vốn có với phát triển bền vững.
Không gian thành phố được tổ chức theo định hướng đa trung tâm, hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ và mô hình "thành phố trong thành phố".
TPHCM sẽ có một khu đô thị trung tâm cùng 6 đô thị trực thuộc, bao gồm TP Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Sau năm 2030, các đô thị này sẽ dần phát triển thành những khu vực đô thị độc lập, bao gồm đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Quận 7 - Nhà Bè và đô thị sinh thái biển Cần Giờ.
Đến năm 2050, TPHCM hoàn tất xây dựng mô hình đa trung tâm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Theo phương án quy hoạch, huyện Củ Chi được quy hoạch trở thành khu vực đô thị hóa phía Bắc TPHCM, với trọng tâm là trung tâm công nghiệp và khu công nghệ cao.
Huyện này sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các khu đô thị sinh thái, và hệ thống thương mại - dịch vụ - du lịch.
Đặc biệt, Củ Chi sẽ tiếp tục bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng, đồng thời mở rộng các hoạt động giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe.
Huyện Hóc Môn được định hướng phát triển thành khu đô thị đại học quốc tế, kết hợp thương mại, dịch vụ, và đào tạo chuyên nghiệp. Nơi đây còn chú trọng phát triển logistics, công nghiệp công nghệ cao, cùng với nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ hiện đại.
Huyện Bình Chánh là khu vực đô thị hóa phía Tây, được kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp, y tế và giáo dục đào tạo. Huyện này cũng sẽ phát triển mạnh trong lĩnh vực y - sinh - hóa dược, nông nghiệp sinh thái, và dịch vụ thương mại hiện đại.
Huyện Nhà Bè sẽ là khu vực đô thị hóa phía Nam TPHCM, với vai trò nổi bật trong phát triển cảng biển và đô thị cảng. Đồng thời, huyện này sẽ xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hội chợ triển lãm, khu y tế kỹ thuật cao, khu đại học tập trung và các dịch vụ thương mại, giải trí.
Huyện Cần Giờ với vị trí chiến lược ven biển, được quy hoạch thành trung tâm phát triển kinh tế biển dựa trên cảng trung chuyển quốc tế và năng lượng tái tạo.
Huyện này sẽ bảo vệ, phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời trở thành điểm đến du lịch sinh thái trọng điểm với hệ thống hạ tầng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
https://laodong.vn/bat-dong-san/lo-trinh-dua-5-huyen-ngoai-thanh-len-thanh-pho-cua-tphcm-1445222.ldo