Công ty Luật trả lời bạn đọc về cách tính lương hưu từ 1.7 với cán bộ không chuyên trách cấp xã.
Bạn đọc hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 9.20211, đến nay được 13 năm 3 tháng hệ số lương là 3,66, là cán bộ không chuyên trách cấp xã, chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã.
Đến hết tháng 12.2024, tôi phải nghỉ việc do tinh giản biên chế. Tôi tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội với chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã cho đến đủ điều kiện hưởng lương hưu thì cách tính lương hưu của tôi như thế nào?
Công ty Luật TNHH YouMe cho biết: Từ ngày 1.7.2025 (có hiệu lực từ 1.7.2025), Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 của Quốc hội có hiệu lực thi hành trong đó về cách tính mức hương hưu hằng tháng và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định tại Điều 66 và Điều 72 như sau:
Điều 66. Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 64 của Luật này được tính như sau:
Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Điều 72. Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần.
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2007 đến ngày 31.12.2015 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp của bạn đọc phải căn cứ vào diễn biến tiền lương của quá trình đã đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 9.2011 đến tháng 12.2024 và quá trình đóng bảo hiểm xã hội thực tế sau này (từ tháng 1.2025 trở đi) cho đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu mới có căn cứ trả lời chính xác câu hỏi của bạn đọc.
https://laodong.vn/ban-doc/luong-huu-cua-can-bo-khong-chuyen-trach-cap-xa-tu-17-1493880.ldo