Thời sự
Cập nhật lúc 02:58 08/01/2025 (GMT+7)
Phấn đấu đến năm 2035, 90% học sinh học kỹ năng phòng, chống đuối nước

Ngày 7.1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1717/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035, với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ đuối nước ở học sinh.

Phấn đấu đến năm 2035, 90% học sinh học kỹ năng phòng, chống đuối nước
Vận động viên Ánh Viên tận tình chỉ dạy cho các học viên tại lớp bơi lội của mình. Ảnh: Thanh Vũ

Chương trình nhằm nâng cao năng lực tự phòng ngừa và tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ đuối nước. Đặc biệt, chương trình chú trọng đến việc dạy bơi an toàn cho học sinh, từ đó gia tăng tỉ lệ học sinh biết bơi và thành thạo các kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng sẽ được nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước, đạt 100% vào năm 2035. Đồng thời, 70% học sinh sẽ được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng này vào năm 2030, và con số này sẽ đạt 90% vào năm 2035.

Chương trình cũng đặt mục tiêu đến 2035, ít nhất 30% trường tiểu học và 25% trường trung học có bể bơi, đảm bảo việc dạy bơi an toàn cho học sinh. Tiếp đến, 70% xã/phường/thị trấn cũng phải có ít nhất một bể bơi phục vụ công tác dạy bơi. Về đội ngũ giáo viên, chương trình yêu cầu mỗi trường có ít nhất 2 giáo viên được bồi dưỡng và cấp chứng nhận dạy bơi an toàn vào năm 2030, và 3 giáo viên vào năm 2035.

Để thực hiện các mục tiêu trên, chương trình đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống đuối nước học sinh đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và đầu tư cơ sở vật chất như bể bơi cho các trường học.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và nhân viên y tế trường học sẽ được ưu tiên để đảm bảo chất lượng dạy bơi và quản lý an toàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là cơ quan thường trực, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình. Bộ này cũng sẽ xây dựng kế hoạch, ban hành chương trình, tài liệu hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Các hoạt động giám sát sẽ được tổ chức định kỳ, với sơ kết vào năm 2030 và tổng kết vào năm 2035.

Chương trình này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của học sinh, mà còn góp phần xây dựng một môi trường giáo dục an toàn và toàn diện cho thế hệ tương lai.

https://laodong.vn/xa-hoi/phan-dau-den-nam-2035-90-hoc-sinh-hoc-ky-nang-phong-chong-duoi-nuoc-1446852.ldo

Thu Hà  (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: