Phát triển bền vững cho bóng đá Việt Nam
Bóng đá Việt Nam chiến thắng tại ASEAN Cup 2024, nhưng một giải đấu chưa thể nói được hết tất cả. Để khẳng định Việt Nam là nền bóng đá số 1 tại khu vực Đông Nam Á, chúng ta cần thời gian và sự đầu tư.
Chiến lược phát triển bóng đá nước nhà
Hiện tại, bóng đá là môn thể thao duy nhất tại Việt Nam được xây dựng Chiến lược phát triển. Năm 2013, Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đưa vào thực hiện. Trong giai đoạn hiện tại, ngành thể thao tiếp tục xây dựng Đề án Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 rồi trình cấp quản lý xem xét trước khi được phê duyệt.
Trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đã được ghi cụ thể là: “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp vận động viên kế cận nhằm tạo nguồn cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển quốc gia; Phát triển bóng đá thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp; Xây dựng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và các tổ chức thành viên của VFF trở thành những tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận quản lý, tổ chức hầu hết các hoạt động bóng đá nước nhà; Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hoạt động phục vụ bóng đá, sẵn sàng đăng cai tổ chức các giải bóng đá châu lục và thế giới; Hình thành, mở rộng thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá; Đưa bóng đá Việt Nam phát triển, trở thành một trong những trung tâm hàng đầu khu vực và châu lục, đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển ở châu Á”.
Chúng ta đã vô địch ASEAN Cup 2024 đối với bóng đá nam. Đội tuyển bóng đá nữ tham dự FIFA World Cup 2023. Đây là hai kết quả chuyên môn gần nhất được người hâm mộ chú ý đối với cấp độ đội tuyển quốc gia.
Theo ý kiến của mình, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn cho rằng, bóng đá Việt Nam vẫn cần những giải pháp để phát triển bền vững. Bởi lẽ các đội tuyển quốc gia là sự tổng hợp những con người tốt nhất từ các đội bóng. Chỉ khi các đội bóng có chuyên môn tốt, sở hữu nguồn lực bền vững phát triển đào tạo được nhiều lứa cầu thủ nối tiếp có trình độ chuyên môn cao thì đội tuyển bóng đá quốc gia sẽ chọn được tuyển thủ tốt để tập trung.
Về sự phát triển chuyên môn, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn phân tích, một trong những nội dung quan trọng là cần chương trình phát triển bóng đá trẻ. “Chương trình phát triển bóng đá trẻ với các mục tiêu, triết lý phát triển, triết lý thi đấu và đủ nguồn nhân lực huấn luyện viên trẻ có bằng cấp Liên đoàn bóng đá châu Á sẽ đào tạo được vận động viên tốt.
Trong đó, môi trường đào tạo vận động viên cần chương trình huấn luyện, điều kiện chăm sóc y tế, chế độ dinh dưỡng cho vận động viên, giáo dục văn hóa đạo đức lối sống dành cho vận động viên. Hệ thống đánh giá tập luyện giữ vai trò quan trọng với bài kiểm tra sư phạm, tâm lý, chuyên môn cùng các tài liệu huấn luyện, nhật ký huấn luyện của huấn luyện viên là yếu tố xác định thành tích và nhịp độ phát triển thành tích vận động viên”, ông Phạm Ngọc Viễn tin rằng đó là hướng đi có chiến lược.
Cách làm thế nào là phù hợp?
Tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam - ông Nguyễn Văn Phú từng thể hiện cụ thể trong báo cáo của mình khi nhìn ra một số hạn chế cần thay đổi. “Chưa thực sự có sự chỉ đạo đồng bộ xuyên suốt và quyết liệt trong các hoạt động bóng đá. Công tác tuyển chọn đào tạo tài năng bóng đá trẻ, tại các đội bóng gặp nhiều điểm khác nhau do nhiều nguyên nhân về con người và trang thiết bị kỹ thuật dẫn tới chưa có sự đảm bảo gắn kết giữa các tuyến, các lớp vận động viên kế cận để tạo nguồn cho các đội bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển bóng đá Việt Nam...”, một trong những quan điểm được ông Nguyễn Văn Phú báo cáo.
Tất cả các nền bóng đá tại Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines... đã và đang tích cực đầu tư để thay da đổi thịt qua từng năm. Với Việt Nam, năm nay bóng đá Việt Nam sẽ đánh dấu cột mốc ghi nhận Giải bóng đá quốc gia tròn 25 năm bước vào hệ thống chuyên nghiệp (2000 - 2025).
Trong 25 năm đã qua, người làm chuyên môn từ huấn luyện viên, cầu thủ đến các cấp quản lý từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đến Cục Thể dục - Thể thao và Liên đoàn bóng đá Việt Nam được chứng kiến nhiều thay đổi, đổi mới của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đi tìm thêm lời giải cho bài toán cách làm nào hay sự đầu tư ra sao để phù hợp giúp bóng đá Việt Nam phát triển tốt hơn.
Giai đoạn đầu, thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là giành Huy chương Vàng SEA Games và vô địch AFF Cup (tiền thân ASEAN Cup). Hai đích nhắm đó đã được bóng đá Việt Nam chinh phục. Bây giờ, bóng đá Việt Nam hướng đến mục tiêu cao hơn là phải dự World Cup.
Đại diện Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho biết, để tiếp tục phát triển bóng đá Việt Nam theo đúng định hướng, sớm đạt được mục tiêu đề ra trong những giai đoạn tiếp theo thì Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã xác định tập trung tổ chức đánh giá toàn diện việc thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Dựa trên các số liệu và thực tế nền bóng đá Việt Nam, nhà chuyên môn và quản lý xem xét kỹ bổ sung, điều chỉnh các nhóm giải pháp chiến lược trong đề án Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhưng phải tiếp tục bám sát các nội dung nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với quan điểm của mình, Tổng thư ký Nguyễn Văn Phú cho rằng giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng thành tích của bóng đá Việt Nam đã được đề ra nhiều nhưng tất cả được làm từng bước tạo sự bền vững. “Tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế, đặc biệt chú trọng đầu tư lứa cầu thủ từ 17 - 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023). Khi đến thời điểm tổ chức FIFA World Cup 2030, 2034, lứa cầu thủ trên đã ở độ tuổi từ 24 đến 28. Đây là thời điểm phát triển tốt nhất của 1 cầu thủ đối với bóng đá đỉnh cao”, Tổng thư ký Nguyễn Văn Phú phân tích.
Đi cùng đó, nhà quản lý bóng đá Việt Nam sẽ tập trung thực hiện lộ trình để triển khai một số Đề án trọng điểm về đào tạo bóng đá trẻ. Trong thời gian từ năm 2025 trở đi, đề án xây dựng hệ thống thi đấu đồng thời với đầu tư về khoa học công nghệ được xây dựng kỹ lưỡng nhằm đạt giá trị thực tiễn. “Xây dựng thí điểm Trung tâm, Khoa học - Y học thể thao phục vụ bóng đá và nhân rộng tại các đơn vị tổ chức hoạt động bóng đá chuyên nghiệp sẽ được triển khai”, Tổng thư ký Nguyễn Văn Phú nói thêm về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để nâng cao thành tích bóng đá Việt Nam.
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/phat-trien-ben-vung-cho-bong-da-viet-nam-1448013.ldo
HOÀI VIỆT (BÁO LAO ĐỘNG)