Thời sự
Cập nhật lúc 08:52 14/05/2025 (GMT+7)
Thẩm định Dự án luật sửa đổi, bổ sung 11 luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng

Ngày 13.5, Bộ Tư pháp thẩm định Dự án luật sửa đổi, bổ sung 11 luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Thẩm định Dự án luật sửa đổi, bổ sung 11 luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng
Bộ Tư pháp thẩm định Dự án luật sửa đổi, bổ sung 11 luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Ảnh: Bộ Tư pháp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Báo cáo tại Hội đồng, Đại tá Nguyễn Việt Dũng - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Quốc phòng - cho biết, sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Dự thảo Luật gồm 12 điều, sửa đổi, bổ sung một số quy định của 11 Luật nêu trên.

Trong đó, Luật Quốc phòng: sửa đổi, bổ sung 3 điều về thẩm quyền như khu vực phòng thủ (khoản 1, điều 9), thiết quân luật (khoản 3, điều 21), giới nghiêm (điều 22)…

Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Nội dung liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp xã và cấp tỉnh), sửa đổi, bổ sung 18 điều về thẩm quyền...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc rà soát các Luật trong lĩnh vực Quốc phòng nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính hợp lý, tính khả thi và tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các Luật có điều khoản quy định liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, quy định về chính quyền địa phương 2 cấp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ, ngành để tránh chồng chéo, bất cập. Tăng cường phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc rà soát nội dung của Dự thảo Luật để đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh; rà soát, đánh giá tác động của các thủ tục hành chính phát sinh để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

https://laodong.vn/thoi-su/tham-dinh-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-11-luat-trong-linh-vuc-quan-su-quoc-phong-1506207.ldo

TRÍ MINH (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: