Thời sự
Cập nhật lúc 03:19 05/02/2025 (GMT+7)
Thờ ơ với phương thức xét học bạ, người trong cuộc nêu lý do

Có nhiều lý do khiến thí sinh từ bỏ phương thức xét học bạ vào đại học trong mùa tuyển sinh năm 2025.

Thờ ơ với phương thức xét học bạ, người trong cuộc nêu lý do
Vì sao học sinh thờ ơ với xét học bạ? Ảnh: Hải Nguyễn

Phương thức xét học bạ THPT trong xét tuyển đại học được xem là giải pháp giảm áp lực thi cử, tăng khả năng đỗ đại học. Thậm chí, nhiều thí sinh đã đầu tư một học bạ đẹp, sáng giá ngay từ những năm đầu phổ thông.

Thế nhưng hiện nay, một bộ phận người học tỏ ra thờ ơ với phương thức này vì nhiều lý do. Điều đầu tiên Minh Hằng - học sinh lớp 12, Trường THPT Đông Sơn 2 (Thanh Hóa) nêu ra liên quan đến xu hướng các cơ sở giáo dục đại học "nói không" với xét học bạ.

"Theo em tìm hiểu, năm 2025, nhiều trường đại học thông tin sẽ bỏ xét tuyển học bạ hoặc giảm chỉ tiêu của phương thức này trong tuyển sinh. Điều này khiến em khá hụt hẫng, nhưng để tạo thế chủ động, em quyết định đổi hướng, theo đuổi phương thức khác, thay vì trông chờ vào học bạ" - Hằng nói.

Nữ sinh cũng cho rằng, "cuộc chiến" học bạ đẹp không dễ dàng bởi mỗi trường có một cách kiểm tra, đánh giá, cho điểm khác nhau. Đặc biệt, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền cũng có sự khác biệt. Vì vậy, cơ hội đỗ đại học với phương thức này ngày càng giảm đi.

Nhiều thí sinh không mặn mà với phương thức xét học bạ THPT. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhiều thí sinh không mặn mà với phương thức xét học bạ THPT. Ảnh: Hải Nguyễn

Lý do tiếp theo được Hoàng Sang - học sinh lớp 12, Trường THPT Quảng Xương 4 (Thanh Hóa) nêu ra là không có những điểm mạnh rõ rệt trong học bạ của mình.

"Học bạ của thí sinh thường được xây dựng từ kết quả học tập qua nhiều năm. Em cảm thấy mình chưa làm tốt trong một số môn học, vì vậy em chọn phương thức thi tuyển để có cơ hội "lật ngược" tình thế" - Sang nói.

Nam sinh cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường đại học chỉ ưu tiên xét tuyển học sinh có thành tích đặc biệt, một số trường xét học bạ với điều kiện bổ sung, hoặc chỉ áp dụng với một số ngành nhất định. Chính vì vậy, đây không phải là giải pháp tối ưu trong cuộc đua vào đại học của Sang.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Quỳnh Giao - học sinh lớp 11, Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) - cho rằng, điểm học bạ có thể bị ảnh hưởng bởi cách đánh giá và chấm điểm của từng trường THPT. Điều này dẫn đến sự không đồng nhất trong kết quả học bạ giữa học sinh đến từ các trường khác nhau.

Việc nhiều cơ sở giáo dục đại học bỏ xét học bạ, thí sinh không tham gia xét tuyển bằng phương thức này cũng góp phần giảm "ảo điểm số".

Năm 2025, theo dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu xét học bạ, các trường phải dùng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với tỉ trọng từ một phần ba tổng điểm trở lên. Các trường cũng phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như trước.

Ngoài ra, Bộ GDĐT dự kiến siết xét tuyển sớm còn 20% chỉ tiêu thay vì không khống chế như trước.

https://laodong.vn/giao-duc/tho-o-voi-phuong-thuc-xet-hoc-ba-nguoi-trong-cuoc-neu-ly-do-1443318.ldo

TRANG HÀ (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: