Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân
Sáng nay (31.12), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024.
Hội nghị đối thoại có chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến.
Trước khi diễn ra hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Kết quả, đã có khoảng 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 diễn ra vào thời điểm nhiều ý nghĩa và rất quan trọng, khi nước ta đang chuẩn bị đầy đủ thời cơ, điều kiện thuận lợi để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, tạo cơ sở để có kết quả tổng kết, từ đó đưa ra những dự báo, nhận định, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới.
Hội nghị cũng có ý nghĩa rất lớn và rất cần thiết để Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các nông dân, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Hội nghị cũng là cơ sở thực tiễn để góp phần xây dựng nội dung Dự thảo Văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV (nhiệm kỳ 2026 - 2031) của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hội nghị năm nay có nhiều vấn đề lớn, cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là:
Thứ nhất: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai: Xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon.
Thứ ba: Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã (HTX) tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ tư: Giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản.
Chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi.
Thứ năm: Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn (tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội)...
https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-doi-thoai-voi-nong-dan-1443230.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)