TPHCM đẩy mạnh tái cấu trúc ngành y tế và chuyển đổi số sau sáp nhập
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngành y tế TPHCM đang thực hiện đồng bộ các giải pháp.
TPHCM sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc ngành y tế sau sáp nhập để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Ảnh: Nguyễn Ly
Tái cơ cấu hệ thống y tế sau sáp nhập, số hóa dữ liệu toàn dân
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sau khi hoàn tất việc sáp nhập địa giới hành chính, ngành y tế thành phố xác định việc tổ chức lại bộ máy là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Các trung tâm y tế khu vực tại địa bàn sáp nhập như Bình Dương cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ tiếp tục hoạt động theo mô hình có giường bệnh, trong khi các trung tâm thuộc khu vực TPHCM cũ chuyển đổi thành mô hình không giường bệnh nhằm tinh gọn tổ chức và chuyên biệt chức năng.
Bên cạnh đó, ngành y tế đang trình UBND TP phê duyệt đổi tên 24 bệnh viện và hợp nhất các đơn vị chuyên ngành như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Trung tâm pháp y, Trung tâm giám định y khoa... nhằm tạo sự thống nhất và hiệu quả trong quản lý điều hành.
Song hành với tái cấu trúc, thành phố đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe toàn dân. Các chiến dịch khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, người cao tuổi và người lao động được triển khai rộng khắp, kết hợp cùng phần mềm chuyển đổi số chuyên biệt. Hệ thống này sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và nền tảng định danh VNeID, góp phần xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất cho mỗi người dân.
Đáng chú ý, toàn bộ hoạt động giám sát và báo cáo bệnh truyền nhiễm cũng đã được chuyển sang nền tảng số. Từ tháng 6.2025, các cơ sở y tế trên toàn thành phố đồng loạt áp dụng hệ thống quản lý dịch bệnh tích hợp bản đồ dịch tễ, giúp theo dõi và xử lý kịp thời các điểm nguy cơ theo thời gian thực. Đây là bước chuyển quan trọng trong việc hiện đại hóa năng lực kiểm soát dịch tễ trên toàn địa bàn.
Chủ động phòng dịch, nâng cao năng lực y tế cơ sở và kỹ thuật chuyên sâu
6 tháng đầu năm 2025, TPHCM đạt nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát dịch bệnh. Dịch sởi, với gần 9.700 ca ghi nhận, đã được khống chế hoàn toàn, được Bộ Y tế đánh giá là mô hình mẫu. Biến thể COVID-19 mới NB.1.8.1 xuất hiện cùng thời điểm cũng được theo dõi sát sao, không có trường hợp tử vong. Các bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng diễn tiến ổn định, không vượt mức trung bình nhiều năm.
Ở tuyến y tế cơ sở, hệ thống khám chữa bệnh ngày càng được củng cố. Hiện 80% trạm y tế đã triển khai khám bảo hiểm y tế, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khám bảo hiểm tăng gần 40%, phản ánh niềm tin của người dân vào y tế tuyến đầu. TPHCM cũng đang triển khai mô hình chăm sóc răng miệng học đường tại 7 trường tiểu học, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sàng lọc ung thư cổ tử cung tại một số địa phương.
Công tác khám sức khỏe học sinh và người cao tuổi mang lại những dữ liệu quan trọng. Thành phố đã nhập hồ sơ sức khỏe cho hơn 1,2 triệu học sinh và hơn 526.000 người cao tuổi. Qua đó, phát hiện tỉ lệ cao học sinh mắc tật khúc xạ (trên 30%), béo phì (17%) và người cao tuổi bị tăng huyết áp (trên 60%), đái tháo đường (25%).
Song song đó, các bệnh viện tuyến cuối của thành phố tiếp tục ghi dấu ấn với hàng loạt kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện thành công, khẳng định chất lượng chuyên môn của y tế TPHCM trên bản đồ khu vực.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh hoàn thành hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện công trước 30.9.2025, triển khai kê đơn thuốc điện tử trên toàn hệ thống y tế, đồng thời xây dựng nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo và điều hành ngành y tế thông minh, hiện đại.
https://laodong.vn/suc-khoe/tphcm-day-manh-tai-cau-truc-nganh-y-te-va-chuyen-doi-so-sau-sap-nhap-1537858.ldo
NGUYỄN LY (BÁO LAO ĐỘNG)