Thời sự
Cập nhật lúc 02:39 18/12/2024 (GMT+7)
Trí tuệ nhân tạo - cuộc cách mạng trong quản lý thuế

Việc quản lý thuế từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là giao dịch xuyên biên giới khi chủ sở hữu các nền tảng số không hiện diện tại Việt Nam, trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên là một trong những công cụ mạnh mẽ, hiệu quả hứa hẹn sẽ cách mạng hóa phương thức quản lý thuế và giúp các cơ quan thuế đối phó hiệu quả với những thách thức này.

Trí tuệ nhân tạo - cuộc cách mạng trong quản lý thuế
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm Phòng điều hành Cục Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế. Ảnh: Trung Kiên

Phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa các khâu quản lý thuế

Từ năm 2023, ngành thuế đã bắt đầu ứng dụng Big Data và AI trong quản lý hóa đơn, phát hiện nhanh, cảnh báo và ngăn ngừa kịp thời các hành vi gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế, trốn tránh thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời xây dựng và đưa vào vận hành ứng dụng bản đồ số về hộ kinh doanh, bản đồ số mỏ, tài nguyên, khoáng sản.

Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của AI trong lĩnh vực thuế là phân tích dữ liệu tự động. Các thuật toán học máy có thể được huấn luyện để phân tích khối lượng lớn dữ liệu giao dịch, tự động phân loại NNT, xác định các khoản thuế phải nộp, phân loại hàng hóa và dịch vụ, thậm chí phát hiện các hành vi trốn thuế tiềm ẩn. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và chi phí quản lý mà còn nâng cao độ chính xác và hiệu quả của quy trình thu thuế.

Với lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ hóa đơn điện tử, thông tin khai, nộp thuế điện tử (eTax), ngành thuế đang ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện và ngăn chặn trốn thuế, gian lận thuế.

Từ xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, tập trung, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo đề án 06/CP), ngành thuế đã và đang ứng dụng Big Data (dữ liệu lớn) và AI để quản lý hóa đơn, phát hiện nhanh và ngăn ngừa các hành vi gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế, trốn, tránh thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với người nộp thuế, AI cũng mang lại nhiều lợi ích.

Chia sẻ với Báo Lao Động, ông Vũ Mạnh Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, kiêm Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội - xác nhận, Cục Thuế TP Hà Nội hiện đang là đơn vị được Tổng cục Thuế giao thí điểm trong ứng dụng mô hình Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế.

“Từ đầu năm 2024 tổ triển khai tại Cục Thuế TP Hà Nội đã thu thập các nguồn dữ liệu hệ thống văn bản pháp luật về chính sách thuế và chính sách pháp luật có liên quan (với 100 bộ luật chuyên ngành), thủ tục hành chính thuế, hệ thống văn bản trả lời người nộp thuế... và được tinh chỉnh, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hiện ứng dụng đã được đưa vào sử dụng hiệu quả, đã trả lời trên 30.000 lượt câu hỏi của người nộp thuế, một cách tự động, nhanh chóng, chính xác với nội dung chi tiết, dễ hiểu, tích hợp sẵn các mẫu biểu thủ tục hành chính hiện hành, những clip hướng dẫn trực quan, dễ hiểu”.

Hội nghị triển khai công tác Cải cách hiện đại hóa và Chuyển đổi số ngành thuế năm 2024.Nguồn: Tổng cục Thuế
Hội nghị triển khai công tác Cải cách hiện đại hóa và Chuyển đổi số ngành thuế năm 2024.Nguồn: Tổng cục Thuế

Giảm thiểu gian lận

Phân tích rủi ro và phát hiện gian lận cũng là một lĩnh vực mà AI có đóng góp đáng kể. Các thuật toán học máy có thể phân tích các mẫu dữ liệu phức tạp để xác định các giao dịch đáng ngờ, các dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế và các hành vi gian lận khác.

Ví dụ, AI có thể phát hiện các trường hợp khai báo giá trị hàng hóa thấp hơn thực tế để trốn thuế nhập khẩu hoặc các trường hợp sử dụng địa chỉ giả để tránh nộp thuế. Việc sử dụng AI trong phân tích rủi ro giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào các trường hợp có nguy cơ rủi ro cao, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chống gian lận thuế.

Đến nay, hệ thống hóa đơn điện tử đã tiếp nhận, xử lý trên 11 tỉ hóa đơn, tính từ năm 2022, khi cơ quan thuế áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ này, chỉ có AI mới có thể “đọc” được một cách hiệu quả và đưa ra những thông tin hữu ích cho cơ quan thuế.

Với cơ sở dữ liệu lớn của hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế còn nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới để phân tích dữ liệu như giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhận diện tên hàng hóa dịch vụ trên hóa đơn điện tử; tìm giá bất thường của hàng hóa; phát hiện các chuỗi mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nhiều khâu trung gian để xác định các trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong tuân thủ pháp luật thuế.

Tuy nhiên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - PGĐ Trung tâm Công nghệ số, Cục chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông - cũng nhận định, việc ứng dụng AI trong thu thuế thương mại điện tử cũng đặt ra một số thách thức.

“Đầu tiên là hạ tầng công nghệ còn hạn chế chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Mặc dù đã triển khai hệ thống dữ liệu lớn Big Data, nhưng hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đủ mạnh để xử lý khối lượng dữ liệu lớn và phức tạp từ hoạt động kinh tế số dẫn đến tình trạng quá tải hoặc chậm trễ trong xử lý dữ liệu. Rủi ro an ninh mạng gia tăng khi số lượng giao dịch và dữ liệu được số hóa ngày càng lớn, trong khi các biện pháp bảo mật chưa thực sự toàn diện.

Hai là thách thức về nguồn nhân lực công nghệ khi thiếu nhân sự chuyên sâu. Ngành thuế cần nhiều chuyên gia có chuyên môn sâu về công nghệ như: AI, Big Data, Blockchain… để có thể triển khai hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số. Tuy nhiên, sự cạnh tranh nhân sự giữa khu vực công và khu vực tư nhân khiến ngành thuế khó thu hút được các chuyên gia công nghệ hàng đầu”.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề khác như chất lượng dữ liệu. Các thuật toán học máy chỉ hiệu quả khi được huấn luyện trên dữ liệu chất lượng cao. Việc thiếu dữ liệu đầy đủ, chính xác và nhất quán có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả phân tích.

Chưa kể các thuật toán học máy thường hoạt động như “hộp đen”, khó hiểu cách chúng đưa ra quyết định. Điều này có thể gây khó khăn cho việc kiểm tra và giám sát hoạt động của hệ thống, cũng như gây ra sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng từ phía người nộp thuế.

Để khắc phục những thách thức này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thuế, các chuyên gia công nghệ và các bên liên quan khác.

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu chung, và xây dựng các khung pháp lý rõ ràng là những bước quan trọng để đảm bảo việc ứng dụng AI trong thu thuế thương mại điện tử diễn ra một cách hiệu quả và bền vững. Đào tạo nguồn nhân lực cũng là một yếu tố quan trọng, giúp các cán bộ thuế nắm bắt được các công nghệ mới và ứng dụng chúng vào công việc một cách hiệu quả.

Ông Mai Xuân Thành - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính - thông tin: “AI có thể tự động phân loại hàng hóa, dịch vụ dựa trên mô tả sản phẩm, dịch vụ giúp xác định chính xác mức thuế áp dụng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ. Hơn nữa, AI có thể được sử dụng để phân tích xác định các giao dịch mua bán và doanh thu của các cá nhân, doanh nghiệp thương mại điện tử, giúp cơ quan thuế xác định lĩnh vực, số thuế còn thất thu và lập kế hoạch thu, chống thất thu ngân sách hiệu quả hơn.

Từ khi cơ quan thuế triển khai thuế điện tử (eTax) và hóa đơn điện tử, không chỉ thủ tục nộp thuế cho người nộp thuế đã được đơn giản hóa, nhanh chóng, thuận lợi mà một hệ thống quản lý thuế minh bạch cũng được kiến tạo với sự giúp sức của AI. Sự kết hợp giữa thuế điện tử và hóa đơn điện tử đã tạo ra một hệ thống quản lý thuế hiệu quả, góp phần giúp NNT thực hiện tốt nhất nghĩa vụ thuế của mình, góp phần quan trọng vào việc thu đúng, thu đủ”.

https://laodong.vn/kinh-doanh/tri-tue-nhan-tao-cuoc-cach-mang-trong-quan-ly-thue-1436815.ldo

MINH THƯ (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: