Sáng 20.12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Tại họp báo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn 2024.
Luật Công đoàn 2024 được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn 2012.
Luật Công đoàn 2024 gồm 6 chương, 37 Điều; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2025.
Luật Công đoàn 2024 tiếp tục khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Công đoàn đại diện cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Đồng thời tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của “người làm việc không có quan hệ lao động”; quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của “người lao động là công dân nước ngoài” (không có quyền thành lập).
Bổ sung quy định gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam và hợp tác quốc tế về công đoàn; bổ sung và làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm.
Tại luật mới được thông qua, việc bảo đảm về tài chính công đoàn là một nội dung quan trọng.
Theo đó giữ nguyên quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt nơi đã thành lập hay chưa thành lập công đoàn, đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Đồng thời, bổ sung quy định xem xét miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi gặp khó khăn; bổ sung và làm rõ hơn các nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn; bổ sung quy định phân phối kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung các quy định bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn, vừa bảo đảm nguyên tắc tự chủ về tài chính của công đoàn.
Làm rõ hơn nội dung công khai tài chính công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, luật có quy định mới là 2 năm một lần Tổng LĐLĐ Việt Nam phải báo cáo với Quốc hội về vấn đề thu chi, quản lý và sử dụng tài chính công đoàn. Kèm theo đó, 2 năm một lần, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán về tài chính của công đoàn để báo cáo Quốc hội.
Đáng chú ý, luật cũng sửa đổi quy định bảo đảm cho cán bộ công đoàn theo hướng:
Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của “công đoàn cấp trên trực tiếp”.
Công đoàn có trách nhiệm “đại diện theo pháp luật” khởi kiện vụ việc ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn khi bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật, trừ trường hợp cán bộ công đoàn từ chối.