Quá tự tin, nhiều ứng viên mất cơ hội việc làm vì ảo tưởng bản thân. Ảnh: Quỳnh Chi
Bài học đắt giá
Chị Lê Thị Thanh Hà (phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) có bằng thạc sỹ tại một học viện tên tuổi tại Hà Nội. Tốt nghiệp, chị tự tin dự thi và trúng tuyển làm chuyên viên của một Bộ lớn tại Hà Nội.
6 năm làm việc trong môi trường Nhà nước, vừa muốn thêm cơ hội việc làm, thử thách cho bản thân, vừa muốn nghỉ việc ở môi trường quen thuộc, chị Hà gửi hồ sơ đến 3 đơn vị tuyển dụng. Hồ sơ “đẹp”, chị Hà được cả 3 nơi gọi phỏng vấn.
“Đến nơi nào tôi cũng tự tin, hãnh diện vì bằng cấp, kinh nghiệm làm việc của mình. Tôi trả lời mọi câu hỏi trôi chảy. Thậm chí có nơi có cả phỏng vấn bằng tiếng Anh cũng không làm khó được tôi. Tôi đinh ninh là cơ hội trúng tuyển rất cao. Không ngờ, sau đó cả 3 nơi đều gửi phản hồi từ chối”, chị Hà nói.
Không tin nổi vào sự thật, chị Hà tham vấn chuyên gia về lĩnh vực tuyển dụng và những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này rồi nhận ra bài học đắt giá: không phải cứ tốt nghiệp trường danh tiếng, có kinh nghiệm là có mọi lợi thế trong tuyển dụng. “Mọi thứ chỉ là bước đầu, tôi quá tự kiêu vì mác tốt nghiệp đại học top đầu. Đây là sai lầm lớn, bài học đắt giá cho tôi. Ngoài trình độ, nhà tuyển dụng còn đánh giá thái độ, khả năng thích nghi, trải nghiệm thực tế, sự cầu thị….”, chị Hà chia sẻ.
Tự tin vì hồ sơ độc, lạ
Bà Lê Hồng Nhung - phụ trách mảng nhân sự cho một công ty cung ứng lao động tại Thành phố Hà Nội cho hay, với kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực nhân sự, bà bắt gặp rất nhiều trường hợp ứng viên dày công thiết kế CV (sơ yếu lí lịch) và đinh ninh đây sẽ là điểm cộng đối với nhà tuyển dụng.
“Có ứng viên đầu tư làm CV cả dăm bảy trang giấy, minh họa bằng hình vẽ cho từng hạng mục; có ứng viên thiết kế bản mềm gửi kèm, gắn ảnh động cho những nội dung quan trọng, thiết kế màu sắc bắt mắt… Nhiều người dùng những từ hoa mỹ, chèn tiếng Anh, dùng nhiều ngoặc kép (“”) khi mô tả bản thân… Họ không hiểu là CV đẹp không tỉ lệ thuận với CV có sức nặng. Nếu chỉ ấn tượng thôi mà không có những nội dung định lượng cụ thể mà nhà tuyển dụng quan tâm, bạn sẽ bị loại ngay lập tức”, bà Nhung nói.
Bà Nhung chia sẻ thêm, với đa số nhà tuyển dụng, các thông tin về ứng viên thông qua CV và phỏng vấn trực tiếp, họ ấn tượng với những hồ sơ/ứng viên giản dị, đi thẳng vào vấn đề, không “khoe khoang” quá đà về bằng cấp hoặc kinh nghiệm. “Trái lại, những kết quả thực tế từ quá trình làm việc, đặc biệt là những sáng kiến của ứng viên đã từng được ứng dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả rõ rệt bằng con số, có thể đo đếm được mới là “điểm cộng vàng”, bà Nhung nhấn mạnh.
https://laodong.vn/cong-doan/mat-co-hoi-viec-lam-vi-ao-tuong-ve-ban-than-1509879.ldo