Còn nhiều tỉnh, thành chưa có chính sách hỗ trợ người từ 60 đến 80 tuổi không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp hay thẻ BHYT. Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam
Khoản trợ cấp duy nhất ấy chỉ khoảng vài triệu đồng, tiêu hết sau một thời gian ngắn. Suốt hơn 30 năm, mẹ tôi không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội. “Nếu được chọn, mẹ sẽ chọn có lương hưu, nhưng thời điểm ấy, hầu như không ai có quyền chọn” mẹ tôi nhiều lần nói vậy.
Đến nay, mẹ tôi là một trong hàng triệu người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Theo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về trợ giúp xã hội với người cao tuổi vừa được công bố, Bộ Y tế dẫn số liệu từ Dữ liệu dân cư quốc gia cho biết, cả nước hiện có hơn 16,1 triệu người cao tuổi. Trong đó, 2,5 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 2,06 triệu người nhận trợ cấp xã hội hằng tháng; 10.000 người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Như vậy, vẫn còn khoảng 10 triệu người cao tuổi không có bất kỳ khoản trợ cấp nào, và phần lớn trong số họ chưa được bao phủ an sinh, sống phụ thuộc vào con cái, sức khỏe yếu vẫn phải lao động để mưu sinh mỗi ngày.
Bộ Y tế cho biết, hiện có 5 tỉnh, thành nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn quy định của Chính phủ; 32 địa phương mở rộng đối tượng thụ hưởng là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống đơn độc. Tuy nhiên, còn nhiều tỉnh, thành chưa có chính sách hỗ trợ người từ 60 đến 80 tuổi không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp hay thẻ BHYT.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1.7, đã hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75. Trong dự thảo nghị định hướng dẫn, Bộ Y tế đề xuất mức hưởng 500.000 đồng mỗi tháng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH. Đối với hộ nghèo, cận nghèo, độ tuổi áp dụng từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi. Tổng kinh phí dự kiến mỗi năm khoảng 9.600 tỉ đồng.
Về lâu dài, Bộ Y tế kiến nghị cấp thẩm quyền tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu, xây dựng sàn an sinh xã hội quốc gia.
Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với những người không có chế độ hằng tháng - trong đó có những người từng nhận “một cục” theo Quyết định 176 từ hàng chục năm trước. 500.000 đồng có thể không phải khoản tiền lớn, nhưng với người già, đó là nguồn hỗ trợ có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội.
Một thông tin nữa được nhiều người cao tuổi trông đợi là chính sách miễn viện phí. Tại buổi họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng vào giữa tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề: “Có thể phấn đấu đến năm 2030 miễn viện phí cho nhân dân được hay không?”. Tổng Bí thư đã đề nghị nếu có thể, các cơ quan hãy bổ sung ngay mục tiêu này vào dự thảo báo cáo chính trị đại hội.
Dù mới chỉ là gợi mở, nhưng người dân hoàn toàn có cơ sở kỳ vọng chính sách này sẽ sớm được nghiên cứu, triển khai. Cùng với chính sách miễn học phí toàn quốc, dự kiến thực hiện từ năm học 2025-2026, định hướng miễn viện phí cho toàn dân sẽ là bước tiến lớn về công bằng xã hội, mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đặc biệt có ý nghĩa với người cao tuổi.