Người lao động mong tăng lương tối thiểu vùng năm 2025 để đảm bảo cuộc sống. Ảnh minh họa: Bảo Hân
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, theo điều 91 Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên 7 yếu tố: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo ông Quảng, Tổng Liên đoàn đã tổng hợp tình hình việc làm, thu nhập để phục vụ cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Nguyện vọng của người lao động là tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương tối thiểu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có những yếu tố chuyên sâu.
“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, chưa có đề xuất mức điều chỉnh lương tối thiểu cụ thể. Trước mắt muốn đề xuất Hội đồng Tiền lương Quốc gia sớm nhóm họp và có các phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng” - ông Quảng nói.
Ông Quảng cho hay, mức lương tối thiểu khác với mức lương đủ sống. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây là sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời đây cũng là cơ sở để thương lượng tiền lương.
Trong khi đó, mức lương đủ sống có thể hiểu là tiền lương đảm bảo cho cuộc sống cho một người lao động làm việc trong điều kiện bình thường (8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần), đảm bảo 1 cuộc sống bình thường, nghĩa là có một sống đàng hoàng hơn; bao gồm lương thực đảm bảo cuộc sống; chi phí phi lương thực đảm bảo học hành, giao tiếp xã hội, thậm chí đảm bảo có tích lũy để xử lý trong trường hợp rủi ro.
“Như vậy, mức lương tối thiểu và mức lương đủ sống là khác nhau. Ví dụ, mức lương đủ sống của sàn tiền lương tối thiểu năm 2018 xác định cho ngành dệt may tại thành phố Hồ Chí Minh là gần 9 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu vùng I của năm đó tại Thành phố phố Hồ CHí Minh là 3.980.000 đồng/tháng” - ông Quảng phân tích.
Ông Quảng cho biết thêm, vừa qua, Quốc hội đặt mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, những năm sau đó thì GDP tăng 2 con số. “Để đạt được mục tiêu này thì năng suất lao động phải cao, do vậy lương tối thiểu phải tăng để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW, cũng như phù hợp với chủ trương đầu tư cho tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển” - ông Quảng nói.
Nghị quyết số 27-NQ/TW khẳng định từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hiện lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.7.2024. Do đó, năm 2025 đã có đầy đủ cơ sở để điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Theo ông Lê Đình Quảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chuẩn bị, khi việc sắp xếp, sáp nhập các bộ phận chuyên môn của Bộ Lao động Thương binh và xã hội đi vào ổn định, Tổng Liên đoàn muốn đề xuất Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm có kế hoạch để xem xét, đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2025.
https://laodong.vn/cong-doan/thoi-diem-de-xuat-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2025-1464682.ldo