Chuyên gia cho rằng, đề xuất việc kéo dài tuổi hưu chỉ nên là chính sách có tính khuyến khích chứ không nên là quy định bắt buộc. Ảnh minh họa: Hương Nha
Rút ngắn khoảng cách tri thức
Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) với mục tiêu kéo dài tuổi nghỉ hưu lên đến 70 tuổi đối với một số lĩnh vực đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao như chuyên gia, cố vấn.
Dẫn chứng từ quốc tế, Bộ Nội vụ cho biết một số nước quy định nghỉ hưu ở tuổi 60 - 65, song có chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, muốn tập trung kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái. Song họ kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 75 với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia.
Từ thực tế này, Bộ Nội vụ cho rằng, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70.
Đồng tình với đề xuất trên, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, nên tận dụng chất xám của những người có trình độ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nghiên cứu.
Việt Nam đang đối mặt với quá trình già hóa dân số và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều ngành trọng yếu. Việc tiếp tục khai thác kinh nghiệm, tri thức của họ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp rút ngắn khoảng cách phát triển về tri thức và khoa học công nghệ.
“Tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng, nhiều người đến tuổi nghỉ hưu vẫn còn sức khỏe, minh mẫn, thậm chí đạt độ chín muồi về chuyên môn và tư duy. Đối với những cá nhân này, việc được tiếp tục làm việc là cả một sự khích lệ tinh thần và cũng mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt”, ông Lợi nhận định.
Tuy nhiên cũng theo ông Lợi, cần tách bạch rõ ràng giữa năng lực chuyên môn và vai trò quản lý để có chính sách phù hợp, phát huy được cả nguồn lực trí tuệ của người cao tuổi lẫn sức trẻ, tinh thần đổi mới của thế hệ kế tiếp.
Cân nhắc yếu tố sức khỏe
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 1.2025 cho thấy dân số Việt Nam tiếp tục già hóa. Số lượng người già từ 60 tuổi trở lên hiện gấp 1,25 lần so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Chỉ số già hóa là tỉ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm. Tại Việt Nam, chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh trong 10 năm trở lại đây, có xu hướng tiếp tục tăng những năm tiếp theo.
GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân - nhận định, trong bối cảnh dân số ngày càng già, kéo theo lực lượng lao động cũng già theo, thì việc có thêm lao động cao tuổi, đặc biệt là lao động ở những ngành đòi hỏi kỹ năng tích lũy trong thời gian dài như y tế, giáo dục, nghệ thuật... sẽ duy trì lực lượng lao động và đóng góp cho nền kinh tế.
Ông đưa ra đề xuất việc kéo dài tuổi hưu tới tuổi 70 chỉ nên là chính sách có tính khuyến khích chứ không nên là quy định bắt buộc, kể cả ở những lĩnh vực cần chuyên môn cao, chuyên gia, cố vấn. Lý do là không phải ai cũng có thể đảm đương được công việc ở độ tuổi 70.
“Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, phân tích cụ thể các yếu tố như sức khỏe, nghề nghiệp, vị trí, môi trường làm việc khi xây dựng luật. Người cao tuổi đi làm cũng phải được đánh giá lao động công bằng, đảm bảo năng suất lao động...”, ông Giang Thanh Long nói.
https://laodong.vn/cong-doan/keo-dai-tuoi-huu-de-tan-dung-nguoi-tai-1496233.ldo