Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - thông tin như trên tại Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Công đoàn 2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 5.2.
Ông Phạm Trường Giang cho biết, số người nghỉ hưu bình quân trước đây khoảng 99.000 đến 100.000 người tăng mới một năm. Nhưng kể từ khi Nghị quyết số 28-NQ/TW (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội) đi vào cuộc sống và nội dung tuổi nghỉ hưu được thể chế hóa tại Bộ luật Lao động 2019, số người nghỉ hưu mới giảm xuống còn 77.000 người/năm.
Qua thống kê, tuổi thọ bình quân của người hưởng hưu khoảng 78 tuổi, cao hơn 4-5 tuổi so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước. "Điều này cho thấy, những người có lương hưu thì chất lượng cuộc sống tốt hơn, chăm sóc y tế tốt hơn và tuổi thọ cao hơn", ông Giang nhận định.
Theo ông Giang, qua tổng kết Luật Bảo hiểm xã hội 2014, độ bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn khoảng trống. Theo đó, còn khoảng 8 triệu người cao tuổi chưa được thụ hưởng chính sách hằng tháng, dẫn đến cuộc sống vô cùng khó khăn. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đặt mục tiêu làm sao bao phủ nốt 8 triệu người này, đạt được mục tiêu Nghị quyết 28 đặt ra là tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
Ông Giang cũng cho hay, Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ông nêu thông tin, nếu trong năm 2025, cứ 6 người trong độ tuổi lao động (từ 15-59 tuổi) thì chỉ có 1 người ngoài tuổi lao động. Nhưng đến năm 2055, hai người trong độ tuổi lao động phải hỗ trợ 1 người ngoài tuổi lao động.
"Nếu duy trì tốc độ và mức hưởng như này mà không có cải cách nào thì 2055 để duy trì mức hưởng như hiện nay thì chỉ có 2 cách: Con cháu phải đóng bảo hiểm xã hội với mức gấp 3 lần hiện nay; cải cách để thế hệ hiện nay có mức hưởng phù hợp để gánh nặng thế hệ tương lai không phải gánh", ông Giang nói.
Thông tin những nội dung chính liên quan đến quyền lợi người lao động, ông Giang cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, một số đối tượng xuống 70 tuổi; nâng mức hưởng lên 500.000 đồng/người/tháng từ 1.7.2025. Quan trọng nhất là những người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, ngoài được hưởng 500.000 đồng/tháng thì còn được ngân sách Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.
"Dự báo sẽ có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên được hưởng chính sách này ngay từ 1.7.2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực" - ông Giang nói.
Bên cạnh đó, ông Giang cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 còn gia tăng quyền lợi của người lao động bằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 5 nhóm đối tượng; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng cơ hội nghỉ hưu đúng tuổi đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn...
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-huong-luong-huu-co-tuoi-tho-binh-quan-la-78-1458758.ldo