Cán bộ công đoàn phát biểu đóng góp cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Nam Dương
Nhiều quy định có lợi cho người lao động
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - cho biết, dự thảo có 14 điểm mới, trong đó có những điều có lợi cho người lao động (NLĐ).
Theo quy định tại Điều 50, Luật Việc làm 2013 đang có hiệu lực, thì “Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp”. Thực tế, nhiều trường hợp NLĐ đóng BHTN nhiều năm, nhưng vì lý do gì đó, tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc lại không được đóng BHTN (chẳng hạn như NLĐ xin nghỉ việc không hưởng lương, doanh nghiệp chậm đóng, không đóng BHXH, BHTN cho NLĐ…), nên không đủ điều kiện để hưởng chế độ TCTN.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã quy định: “Mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc…”. Với việc thay hai chữ “liền kề” bằng “gần nhất” sẽ giúp cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn khi đăng ký hưởng TCTN.
Đặc biệt, tại Khoản 2, Điều 35 của dự thảo quy định về các chế độ BHTN có quy định rất mới, đó là: “Trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm, căn cứ tình hình thực tế và kết dư Quỹ BHTN, Chính phủ quy định việc giảm mức BHTN, hỗ trợ bằng tiền hoặc các hỗ trợ khác”. Với quy định trong dự thảo về việc dùng tiền kết dư từ Quỹ BHTN để hỗ trợ khi gặp khó khăn trong lúc khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn… thì NLĐ sẽ có cơ hội được thụ hưởng quyền này.
Chậm đóng, chậm chốt bảo hiểm xã hội phải bồi thường cho người lao động
Theo quy định hiện hành và cả trong dự thảo, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, thì NLĐ phải đi đăng ký thất nghiệp để hưởng TCTN. Một trong những thủ tục bắt buộc đó là NSDLĐ phải đóng, chốt sổ BHXH cho NLĐ.
Ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết, thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, nhưng chưa chốt sổ BHXH cho NLĐ ngay, hoặc đi chốt sổ BHXH nhưng gặp vướng mắc, nên gần hết hoặc hết thời hạn 3 tháng, NLĐ vẫn chưa được chốt sổ BHXH để làm thủ tục đăng ký thất nghiệp và như thế sẽ không được hưởng TCTN trong lúc cần tiền để sinh sống, đi tìm việc khác. Thế nhưng, pháp luật hiện nay và dự thảo cũng chưa quy định nếu doanh nghiệp hay cơ quan BHXH chậm chốt BHXH cho NLĐ, khiến NLĐ không được hưởng TCTN như thế thì phải bồi thường cho NLĐ.
“Thực tế, rất nhiều trường hợp chúng tôi đã phải làm đơn cảnh báo doanh nghiệp nếu không chốt sổ BHXH kịp thời cho NLĐ dẫn đến NLĐ không được hưởng TCTN thì sẽ bị kiện ra tòa và phải bồi thường một khoản tiền tương đương mức hưởng TCTN mà NLĐ được hưởng. Tuy nhiên, những trường hợp như thế vẫn không phải là bao trùm. Do đó, dự thảo cần có thêm quy định trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp nếu không làm đầy đủ, kịp thời các giấy tờ, thủ tục để NLĐ đi đăng ký thất nghiệp và hưởng TCTN. Có như thế mới tăng cường được trách nhiệm của doanh nghiệp với NLĐ” - ông Hà kiến nghị.
Ông Phạm Văn Hiền - Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM - kiến nghị, nên nới rộng thời gian phải đăng ký thất nghiệp sau khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc lên 6 tháng thay vì 3 tháng như trong dự thảo. Vì hiện nay nhiều doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ BHXH, BHTN, nếu có được đóng bù cho NLĐ thì thời gian kéo dài, thủ tục chốt sổ BHXH, BHTN bị chậm nên NLĐ không kịp đi đăng ký thất nghiệp để hưởng TCTN.
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-tang-thoi-gian-dang-ky-tro-cap-that-nghiep-1496801.ldo