Thời sự
Cập nhật lúc 04:50 27/04/2025 (GMT+7)
Hành trình định danh Thành phố Hồ Chí Minh

Hơn một năm sau chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975, vào lúc 8h20' ngày 2.7.1976, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VI đã thông qua Nghị quyết đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh đã được sử dụng từ trước đó rất lâu, và có một quá trình lịch sử đầy thú vị và ý nghĩa.

Hành trình định danh Thành phố Hồ Chí Minh
Hình ảnh Báo Lao Động ra ngày 30.4.1975. Ảnh: Trần Vương

Từ ý tưởng ban đầu

Nghiên cứu các tư liệu lịch sử cho thấy ý tưởng đặt tên thành phố theo tên Người đã manh nha từ những năm 1946, xuất phát từ nguyện vọng chân thành của nhân dân Nam Bộ. Điểm khởi đầu quan trọng được ghi nhận vào ngày 25.8.1946, khi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - một trí thức yêu nước, đã chính thức đề xuất đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh tại một cuộc họp của Phòng Nam Bộ Trung ương tại Hà Nội.

Đề xuất này được 57 người ký tên ủng hộ, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức như: Luật sư Trần Công Tường, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng. Sự kiện này được Báo Cứu Quốc đăng tải chi tiết trên trang 1 và tiếp theo ở trang 4 của số báo ra ngày 27.8.1946, thể hiện rõ nguyện vọng của người dân Nam Bộ muốn lấy tên Người để đặt cho thành phố. Toàn văn như sau:

“Thành phố Sài Gòn từ nay sẽ đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội, ngày 25.8.1946, nhân ngày kỷ niệm một năm chính quyền Cách mạng, Phòng Nam bộ Trung ương, đường Gia Định đã có một buổi họp mặt thân thiện giữa những người Việt miền Nam.

Trong buổi họp này, bác sĩ Nghiệp nhắc lại tình hình Nam bộ trong một năm qua, những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ đã chết và còn sống hiện đang chiến đấu, nhưng trên tất cả, bác sĩ kể đến công đức của Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, vị đại anh hùng của dân chúng Việt Nam.

Để kết luận, sau khi kể một vài thí dụ ở những nước lớn hay lấy tên những vị anh hùng để đặt cho một thành phố lớn, bác sĩ Nghiệp đề nghị, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, thành phố Sài Gòn đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn thể mọi người tán thành đề nghị của bác sĩ Nghiệp và đồng ký vào bản Quyết nghị thay tên thành phố Sài Gòn gửi lên Chính phủ.

Dưới đây là bản quyết nghị:

26 tháng Tám - Dân chủ Cộng hòa năm thứ II

Bản Quyết nghị gửi Quốc hội và Chính phủ Trung ương

Toàn thể đồng bào Nam bộ đủ các đảng phái, giai cấp, họp mặt tại Hà Nội hôm nay, 25 tháng Tám năm thứ Hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để kỷ niệm ngày Nam bộ khởi nghĩa.

Xin Quốc hội và Chính phủ Trung ương đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại làm tên Thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hi sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam bộ”.

Trong dòng chảy văn học, tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện từ rất sớm. Năm 1954, trong bài thơ “Ta đi tới”, trong tập Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ tuyệt hay, trong đó có đoạn thơ cho thấy cái tên này đã ăn sâu trong tâm thức văn hóa dân tộc:

“Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca...

Ai qua Phú Thọ

Ai xuôi Trung Hà

Ai về Hưng Hóa

Ai xuống khu Ba

Ai vào khu Bốn

Ai đi Nam Bộ

Tiền Giang, Hậu Giang

Ai vô thành phố

Hồ Chí Minh

Rực rỡ tên vàng”.

Báo Cứu Quốc ra ngày 26.8.1946. Ảnh nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam
Báo Cứu Quốc ra ngày 26.8.1946. Ảnh nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Sau ngày giải phóng đất nước

Báo Lao Động ra vào ngày thứ Tư, 30.4.1975 trên trang nhất có bài viết chính: Tiến lên với tinh thần ngày 1.5 và khí thế chiến thắng. Phía dưới chân trang là bài viết: Vì miền Nam ruột thịt, thi đua mỗi người làm việc bằng hai.

Thời điểm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh càng được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Ngày 1.5.1975, bản tin tường thuật đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã Trần Mai Hạnh được đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã và được đọc trang trọng trong bản tin thời sự đặc biệt ngày 1.5.1975 của Đài Tiếng nói Việt Nam có tựa đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực sao”. Các báo lớn như Nhân Dân, Hà Nội Mới cũng sử dụng tên gọi này trong các bài tường thuật. Báo Sài Gòn Giải phóng số đầu tiên, ra ngày 5.5.1975, ghi rõ là “Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định”, đã đăng thông báo về việc thành lập Ban Quân quản thành phố, do Thượng tướng Trần Văn Trà ký, nhấn mạnh thành phố vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày 5.12.1975, Tạp chí Time (Mỹ) đã dành gần như toàn bộ số báo để nói về sự kiện chiến tranh Việt Nam kết thúc. Trang bìa có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dòng chữ “Người chiến thắng”. Bản đồ Việt Nam thống nhất được tô màu đỏ với ngôi sao vàng tại vị trí Sài Gòn - Gia Định, chú thích là “Thành phố Hồ Chí Minh”, cho thấy sự công nhận của cả truyền thông quốc tế.

Ngày 2.7.1976 đánh dấu thời điểm tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh chính thức được pháp lý hóa thông qua Nghị quyết của Quốc hội khóa VI. Quyết định này không chỉ đơn thuần là một hành động hành chính mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ về một quá trình lịch sử lâu dài, phản ánh nguyện vọng của nhiều thế hệ người dân thành phố và cả nước.

Tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một quyết định hành chính, mà còn mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc. Nó tượng trưng cho sự thống nhất, hòa bình và lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập để ngày nay tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Từ một đề xuất của những người yêu nước năm 1946 đến quyết định chính thức năm 1976, hành trình định danh Thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng sinh động cho sự gắn kết giữa lịch sử, văn hóa và khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/hanh-trinh-dinh-danh-thanh-pho-ho-chi-minh-1496300.ldo

Kim Sơn (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: