Người lao động tìm kiếm việc làm trực tuyến về công nghệ thông tin trong năm 2024. Ảnh: Hương Nha
Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ AI toàn cầu
AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. AI, đặc biệt là AI tạo sinh (GenAI), đang tạo ra những đột phá chưa từng có, mở ra những khả năng vô hạn cho nhân loại.
Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên đến 79,3 tỉ USD cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030.
Báo cáo thị trường IT Việt Nam 2024 - 2025 của nền tảng tuyển dụng TopDev cho thấy, ngành công nghệ tại Việt Nam cần thêm ít nhất 500.000 lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường vào năm 2025. Thị trường vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, đặc biệt ở các vị trí chuyên sâu.
Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) cho hay, nước ta hiện có khoảng 700 người làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực AI, trong đó chỉ có 300 chuyên gia - con số rất nhỏ so với nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam.
Google cũng nhận định, Việt Nam đang đối mặt với thiếu hụt nhân sự và chuyên gia AI - một thách thức lớn, cần sớm được giải quyết.
Bên cạnh đó, các start-up về công nghệ AI tại Việt Nam đối mặt những thách thức khác, như thiếu cơ hội tiếp cận các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về AI để đánh giá, thẩm định sản phẩm AI phù hợp với nhu cầu của thị trường; thiếu cơ hội tiếp cận các hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp.
Là “người mở đường” cơ hội?
Theo báo cáo Chỉ số Xu hướng công việc năm 2024 với chủ đề Đưa AI vào công việc, thách thức nào đang chờ đợi, do Microsoft và LinkedIn khảo sát trên 31.000 người tại 31 quốc gia, trong đó có Việt Nam cho thấy, AI đã tác động đến cách mọi người làm việc, lãnh đạo và tuyển dụng.
Tại Việt Nam, báo cáo này đã tiết lộ ba xu hướng mà các nhà lãnh đạo và chuyên gia tại Việt Nam cần phải nắm được liên quan tác động của AI đối với công việc và thị trường lao động trong năm tới: Nhân viên muốn sử dụng AI tại nơi làm việc - và sẽ không chờ đợi sự hỗ trợ từ công ty; AI đặt ra các tiêu chuẩn mới và phá vỡ giới hạn nghề nghiệp đối với nhân viên; Sự tăng trưởng về số lượng người sử dụng AI thành thạo.
Một vài con số đáng chú ý từ báo cáo này như: 88% lao động tri thức ở Việt Nam hiện đang sử dụng Generative AI tại nơi làm việc (so với 75% lao động tri thức trên toàn cầu); 76% các nhà lãnh đạo tại Việt Nam cho biết họ sẽ không tuyển dụng những người không có kỹ năng về AI (so với 66% các nhà lãnh đạo toàn cầu); 78% các nhà lãnh đạo tại Việt Nam cũng thừa nhận rằng, họ ưu tiên tuyển dụng những ứng viên ít kinh nghiệm hơn nhưng có kỹ năng sử dụng AI hơn là những ứng viên giàu kinh nghiệm nhưng lại thiếu kỹ năng này.
Chia sẻ với Lao Động, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Cổ phần Anphabe - cho hay, theo khảo sát của Anphabe, có 2 nghịch lý lớn trong việc ứng dụng AI.
Một là, người đi làm có nhu cầu sử dụng AI cao và nhận thấy tiềm năng ứng dụng vượt trội của công nghệ này trong công việc, nhưng lại thiếu hụt các kỹ năng liên quan đến công nghệ. Theo khảo sát của Anphabe, hơn 70% người đi làm đánh giá kỹ năng công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng năng lực thì chưa tương xứng.
Hai là, mặc dù AI mang lại sự hỗ trợ ấn tượng trong hiệu suất làm việc, nhưng tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng AI trong doanh nghiệp vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng mà công nghệ này có thể mang lại.
https://laodong.vn/cong-doan/xay-dung-luc-luong-lao-dong-san-sang-ung-dung-ai-1459013.ldo