Bảo đảm công khai, minh bạch tài chính công đoàn
Ngày 20.12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước: Luật Di sản văn hóa; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật xử lý vi phạm hành chính.
Giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho hay, Luật Công đoàn sửa đổi được thông qua tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của “người làm việc không có quan hệ lao động”; quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của “người lao động là công dân nước ngoài” (không có quyền thành lập). Bổ sung quy định gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam và hợp tác quốc tế về công đoàn; bổ sung và làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm.
Tại Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được thông qua, việc bảo đảm về tài chính công đoàn là một nội dung quan trọng. Theo đó giữ nguyên quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt nơi đã thành lập hay chưa thành lập công đoàn, đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung các quy định bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn, vừa bảo đảm nguyên tắc tự chủ về tài chính của công đoàn.
Liên quan nội dung công khai tài chính công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, luật có quy định mới là 2 năm một lần Tổng LĐLĐVN phải báo cáo với Quốc hội về vấn đề thu chi, quản lý và sử dụng tài chính công đoàn. Kèm theo đó, 2 năm một lần, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán về tài chính của công đoàn để báo cáo Quốc hội.
Đáng chú ý, luật cũng sửa đổi quy định bảo đảm cho cán bộ công đoàn theo hướng: Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của “công đoàn cấp trên trực tiếp”. Công đoàn có trách nhiệm “đại diện theo pháp luật” khởi kiện vụ việc ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn khi bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động...
https://laodong.vn/thoi-su/bao-dam-cong-khai-minh-bach-tai-chinh-cong-doan-1438421.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)