Thời sự
Cập nhật lúc 04:53 06/05/2025 (GMT+7)
Bảo toàn và phát huy giá trị tài sản công sau sắp xếp, sáp nhập bộ máy

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, hàng nghìn trụ sở công tại các tỉnh thành bị dôi dư. Việc xử lý hiệu quả những tài sản này không chỉ tránh lãng phí, tiết kiệm ngân sách mà còn thể hiện năng lực quản lý và tầm nhìn phát triển bền vững của chính quyền địa phương.

Bảo toàn và phát huy giá trị tài sản công sau sắp xếp, sáp nhập bộ máy
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, trụ sở UBND huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam được bàn giao lại cho Thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn quản lý, sử dụng. Ảnh: Hải Hoàng

Cần có tầm nhìn dài hạn để tránh lãng phí

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành, dự kiến đến năm 2026, Khánh Hòa sẽ xử lý xong 124 trụ sở công dôi dư, trong tổng số 1.461 trụ sở hiện có. Các trụ sở không còn sử dụng sẽ được “chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý” theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là xử lý tài sản công dôi dư phải phù hợp với đối tượng quản lý, tính chất, đặc điểm của tài sản, đồng thời tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, nhưng cũng cần một tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận dự kiến sáp nhập (với tên gọi là Khánh Hòa), trụ sở các sở, ngành cấp tỉnh sẽ tập trung tại TP Nha Trang. Chính quyền tỉnh đang xem xét phương án cải tạo, tận dụng các trụ sở dôi dư ở Nha Trang và huyện Diên Khánh là nơi làm việc tạm thời cho các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tránh việc để trụ sở bỏ hoang trong khi chờ trụ sở chính hoàn thành.

Dự án xây dựng Trụ sở Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Khánh Hòa với vốn đầu tư 544 tỉ đồng đang được thi công và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10.2025. Đồng thời, tỉnh cũng đang cải tạo trụ sở Tỉnh ủy cũ (số 6 Trần Hưng Đạo) để bố trí thêm không gian làm việc cho các cơ quan Đảng. Qua đó khai thác tối đa quỹ nhà đất hiện có, đảm bảo nhu cầu làm việc cho bộ máy mới sau sáp nhập.

Linh hoạt, tiết kiệm, chống lãng phí

Sau khi đề án sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng được HĐND TP Đà Nẵng thông qua, số lượng trụ sở dự kiến dôi dư lên tới 132, chưa kể cấp xã, huyện trong đó, Quảng Nam có 39 cơ sở, Đà Nẵng 93 cơ sở.

Tỉnh Quảng Nam xác định rõ quan điểm: “Không xây mới, không sửa chữa trụ sở trong năm 2025”, chờ đến khi hoàn thành sắp xếp bộ máy để đưa ra phương án phù hợp.

“Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã và bỏ cấp huyện thì chắc chắn nhiều cơ quan phải làm việc ở 2 nơi trong những năm đầu, chứ không thể làm việc một nơi được. Vì làm việc một nơi thì không đủ chỗ, mà xây mới thì tiếp tục lãng phí. Do đó, nhiều đơn vị tiếp tục sử dụng trụ sở hiện tại cho đến khi khấu hao hết vòng đời. Đó cũng là giải pháp để chống lãng phí” ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nói.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, nơi nào bố trí được cho cơ quan nào hợp lý thì ưu tiên bố trí, không thể lãng phí nhà đất công trong lúc ngân sách còn khó khăn.

Sắp tới đây, nếu lực lượng công an xã được bổ sung tăng thêm người, thì sẽ bố trí nơi làm việc rộng rãi, tận dụng từ các trụ sở dôi dư cấp huyện để thuận tiện công tác. Nơi nào thật sự không có giải pháp xử lý được, thì cũng phải thanh lý sớm trụ sở, để phát huy nguồn lực đất đai ở đó.

Đơn cử tại TP Tam Kỳ, sau khi sáp nhập phường An Xuân và Phước Hòa, toàn bộ cơ quan đảng, chính quyền làm việc tại trụ sở UBND phường An Xuân, còn mặt trận, dân vận, đoàn thể làm việc tại trụ sở cũ của phường Phước Hòa. Nhờ đó, giải quyết triệt để vấn đề trụ sở chật hẹp trước đây, đồng thời tận dụng cơ sở vật chất cũ để không phải đầu tư mới.

Nhiều trụ sở dôi dư cũng được tỉnh chủ động bố trí lại cho các cơ quan phù hợp như: Trụ sở Chi cục Thuế Tam Kỳ giao cho Ban Quản lý dự án và Trung tâm Phát triển quỹ đất; trụ sở Công an huyện Nông Sơn được bàn giao cho Công an thị trấn Trung Phước; trụ sở UBND huyện Nông Sơn dự kiến giao cho UBND thị trấn Trung Phước…

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2027 phải hoàn thành phương án sắp xếp, xử lý tất cả các trụ sở dôi dư theo Nghị quyết 1241/NQ-UBTVQH15. Trước đó, tỉnh đã xử lý 247/388 trụ sở, nhà đất sử dụng không hiệu quả và tiếp tục rà soát diện tích, công năng từng trụ sở để đưa ra hướng xử lý cụ thể: Giữ lại, điều chuyển, chuyển giao về địa phương hoặc thanh lý.

Về phương tiện công, toàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng hiện có 760 xe công. Đề án hợp nhất nêu rõ, sẽ tái sắp xếp toàn bộ phương tiện theo nhu cầu sử dụng thực tế và đúng chức năng chuyên môn, tránh thừa - thiếu cục bộ.

https://laodong.vn/xa-hoi/bao-toan-va-phat-huy-gia-tri-tai-san-cong-sau-sap-xep-sap-nhap-bo-may-1502144.ldo

Hữu Long - Hoàng Bin (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: