Thời sự
Cập nhật lúc 07:59 04/05/2025 (GMT+7)
Sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật gắn với sắp xếp đơn vị hành chính

Nghị quyết 66 yêu cầu khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.

Sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật gắn với sắp xếp đơn vị hành chính
Nghị quyết 66 đặt ra yêu cầu khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Trần Vương

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết 66-NQ/TW nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.

Bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng, sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Tạo cơ sở pháp lý để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tập trung xây dựng pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, phi truyền thống (trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khai thác nguồn lực dữ liệu, tài sản mã hóa...) để hình thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh cho trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, khu kinh tế trọng điểm.

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" và việc cơ cấu lại không gian phát triển mới ở từng địa bàn.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng cải cách tư pháp. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ pháp lý, hỗ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý.

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghiên cứu hình thành chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư, bảo đảm việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Nghiên cứu mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn, kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp, có giải pháp khuyến khích, phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại.

https://laodong.vn/thoi-su/sua-doi-bo-sung-van-ban-phap-luat-gan-voi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-1500855.ldo

Vương Trần (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: