Thời sự
Cập nhật lúc 05:51 19/04/2025 (GMT+7)
Bộ Nội vụ rà soát các chính sách về tiền lương, phụ cấp

Bộ Nội vụ đang rà soát lại toàn bộ chính sách liên quan đến tiền lương, phụ cấp của các đối tượng trong khu vực công liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Bộ Nội vụ rà soát các chính sách về tiền lương, phụ cấp
Bộ Nội vụ đang rà soát lại toàn bộ chính sách liên quan đến tiền lương, phụ cấp. Ảnh minh họa: Hương Nha.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Việc thống nhất, triển khai thực hiện cải cách tiền lương đã góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các đối tượng hưởng lương hưu, góp phần ổn định xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện cải cách tiền lương, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ 1.7.2024.

So với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết 27 của Trung ương) thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1,39 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng thêm 68,3%), cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% quỹ tiền thưởng; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15% từ ngày 1.7.2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương.

“Chúng tôi đang tổng rà soát lại toàn bộ các chính sách liên quan đến tiền lương, phụ cấp của các đối tượng trong khu vực công liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Theo Bộ trưởng, việc này phải làm ngay để đảm bảo khoảng ngày 30.6 tới đây sẽ hoàn thiện được nghị định thay thế một loạt các nhóm nghị định liên quan.

Trong phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cải cách tiền lương là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; đồng thời cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, để tăng, thúc đẩy việc làm.

Thời gian tới cần tính đến việc giảm phụ thuộc vào phụ cấp; đảm bảo tăng quyền lợi của người lao động trong đơn vị Nhà nước, trong các doanh nghiệp sao cho hài hòa, hợp lý; đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia.

Cùng với đó phải gắn cải cách tiền lương với cải cách tài chính công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì vậy, cần triển khai từng bước thí điểm ở một số ngành hoặc khu vực trước khi áp dụng rộng rãi.

https://laodong.vn/thoi-su/bo-noi-vu-ra-soat-cac-chinh-sach-ve-tien-luong-phu-cap-1493462.ldo

CAO NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: