Các tổ chức chính trị - xã hội có chức danh lãnh đạo, con dấu, tài khoản riêng
Các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng sẽ đưa về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, nhưng vẫn có chức danh lãnh đạo, con dấu, tài khoản riêng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy thông tin về phương án sắp xếp Mặt trận Tổ quốc, 5 tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 11.5 tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa và Xã hội tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 2. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, Ủy ban tập trung thảo luận cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm:
Thứ nhất, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thứ hai, Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Thứ ba, Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ủy ban sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; Báo cáo kết quả hoạt động của Ủy ban 6 tháng đầu năm và dự kiến công tác 6 tháng cuối năm 2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, dự kiến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau sắp xếp, tinh gọn có từ 9 - 11 người. Trong đó gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực và các Phó Chủ tịch là Trưởng 5 tổ chức chính trị - xã hội.
Sẽ sắp xếp toàn bộ các ban, đơn vị tham mưu giúp việc của Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tham mưu giúp việc chung.
Định hướng là chuyển các nhiệm vụ có tính chất chung, tương đồng về các ban tham mưu giúp việc chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những nhiệm vụ có tính chất riêng, đặc thù của các tổ chức chính trị - xã hội vẫn tiếp tục thực hiện.
Với các đơn vị sự nghiệp, dự kiến sẽ sắp xếp lại toàn bộ đơn vị sự nghiệp theo hướng đưa phần lớn các trung tâm, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị - xã hội về địa phương quản lý.
Đồng thời, sắp xếp các cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản của các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay theo hướng giữ lại các đơn vị tự chủ 100%.
Đối với đơn vị báo, tạp chí chưa tự chủ 100% thì giải thể, kết thúc hoạt động.
Các tổ chức chính trị - xã hội có tổ chức đại hội, có cơ quan lãnh đạo (ban chấp hành, ban thường vụ), các chức danh lãnh đạo (chủ tịch, phó chủ tịch hoặc bí thư thứ nhất, bí thư); hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng (đơn vị dự toán cấp 2).
Các quy định này đảm bảo nguyên tắc các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi tổ chức, đảm bảo độc lập tương đối.
Theo Nghị quyết 60 Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, việc sắp xếp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng sẽ được sửa đổi tại Hiến pháp, và các luật liên quan làm cơ sở pháp lý thực hiện. Việc sắp xếp phải hoàn thành trước ngày 15.7.
https://laodong.vn/thoi-su/cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-co-chuc-danh-lanh-dao-con-dau-tai-khoan-rieng-1505121.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)