Thời sự
Cập nhật lúc 02:11 20/05/2025 (GMT+7)
Càng được tạo điều kiện doanh nhân càng phải có trách nhiệm

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - nhận định, Nghị quyết 68-NQ/TW đã đưa ra hệ thống giải pháp khá đồng bộ, đầy đủ và quyết liệt nhằm giải quyết hai vấn đề căn bản của khu vực tư nhân hiện nay: Doanh nghiệp không muốn lớn và doanh nghiệp không thể lớn.

Càng được tạo điều kiện doanh nhân càng phải có trách nhiệm
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).Ảnh: Tuyết Lan

Vừa qua Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Ông ấn tượng nhất với nội dung nào thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân?

- Nghị quyết 68 đã nhận thức đúng vai trò, vị trí và những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước. Các giải pháp về không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự đã đi vào đầy đủ, rõ ràng hơn, có giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp.

Với những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 68, ông đề xuất những biện pháp nào để đảm bảo tiến trình thực thi diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và đúng tiến độ?

- Mục tiêu đề ra trong nghị quyết rất cao, yêu cầu thực hiện trong thời gian ngắn, làm tăng áp lực lên các cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành trong quá trình thực thi.

Tôi cho rằng, Chính phủ nên thành lập một tổ công tác đặc biệt, gồm các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, tâm huyết, để rà soát và đề xuất các giải pháp.

Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Để đạt được, cần tăng trưởng đều đặn mỗi năm, năm thứ nhất 20%, các năm tiếp theo khoảng 10-16%. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp hoạt động chỉ khoảng 3-4% hoặc thậm chí âm. Do đó cần tổng hòa các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ, xúc tiến tiêu thụ và các chính sách hỗ trợ khác.

Quan trọng nhất là phải tạo môi trường thuận lợi, an toàn và minh bạch cho doanh nghiệp gia nhập và hoạt động. Đặc biệt, quy trình thủ tục cần được đơn giản hóa, rút ngắn, có trách nhiệm rõ ràng từ cấp cao nhất để theo dõi, đánh giá kết quả thường xuyên, từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Cần có một cá nhân hoặc cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này, có đội ngũ độc lập theo dõi, đề xuất giải pháp, giúp đảm bảo tiến trình diễn ra hiệu quả.

Tôi đề xuất giao trách nhiệm rõ ràng cho một bộ hoặc cơ quan, cùng với cá nhân trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu.

Nếu có một cơ quan hoặc cá nhân đủ thẩm quyền chịu trách nhiệm, có tâm huyết với kinh tế tư nhân, cùng đội ngũ độc lập theo dõi, đánh giá, kiến nghị sẽ đảm bảo tiến trình đi đúng hướng.

Vậy doanh nghiệp cần làm gì để phát triển bền vững và trưởng thành?

- Nhà nước đã thay đổi tư duy để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân thì bản thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy trong quản lý và đầu tư để nắm bắt thời cuộc và xu thế phát triển thì mới có thể tận dụng được cơ hội phát triển bền vững chứ không chỉ dài hạn mang tính ngắn hạn.

Doanh nghiệp cần phải kinh doanh có trách nhiệm chứ không chỉ vì lợi ích cá nhân hay xã hội ở phạm vi nhỏ mà khi doanh nghiệp phát triển đến một mức độ nhất định sẽ trở thành tài sản của xã hội. Người quản lý và chủ doanh nghiệp phải có tinh thần cống hiến, phụng sự, đam mê và trách nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển thì doanh nghiệp sẽ bền vững. Trong Nghị quyết 68, cũng đã đề ra các giải pháp xây dựng đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

https://laodong.vn/kinh-doanh/cang-duoc-tao-dieu-kien-doanh-nhan-cang-phai-co-trach-nhiem-1509600.ldo

Tuyết Lan thực hiện - BÁO LAO ĐỘNG

In
Về đầu
Lượt truy cập: